Trồng 10.000ha loài cây được coi là "quốc bảo", Kon Tum tham vọng thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia

P.V Thứ năm, ngày 17/08/2023 09:48 AM (GMT+7)
Tỉnh Kon Tum đang phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, trong đó sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực.
Bình luận 0

9 nhiệm vụ chính để phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh

Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, sâm Ngọc Linh được trồng chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei của tỉnh Kon Tum. Sâm Ngọc Linh là sản phẩm quý, có giá trị cao, tác dụng rất tốt với sức khoẻ người sử dụng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, sản phẩm này đã có thời gian đứng bên bờ vực tuyệt chủng. 

Theo ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, những năm 1990, sâm Ngọc Linh đang bên bờ tuyệt chủng. Bởi vậy, cứ nghe ở đâu bà con đi rừng kiếm được sâm, ông cùng mọi người lại tới mua mang về ươm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, cây phát triển rồi lấy hạt nhân giống tiếp. Công ty đang cùng người dân bảo vệ rừng, đồng thời cung cấp giống cho bà con để phát triển nguồn sâm. Mảnh đất Tu Mơ Rông nói riêng đã có rất nhiều tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh.

Nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân và các cơ quan chức năng, Kon Tum hiện có khoảng 1.240 ha sâm. Số lượng này tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông với hơn 1.190 ha, còn lại ở huyện Đăk Glei.

Xác định đây là sản phẩm có thể đổi đời cho người dân, UBND tỉnh Kon Tum đã rất kịp thời đưa sản phẩm trở thành sản phẩm chủ lực của người dân. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Kon Tum: Nâng cao giá trị cho “quốc bảo” sâm Ngọc Linh - Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường giới thiệu về cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: moit.gov.vn

Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đã ban hành đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, Đề án đặt ra nhiều mục tiêu như phát triển bền vững sâm Ngọc Linh trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội để phát triển. 

Phát triển sâm Ngọc Linh theo chuỗi liên kết, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn chế biến sâu với tiêu thụ sản phẩm; gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn miền núi, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm quốc gia và gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu đến năm 2025, Kon Tum trồng mới 4.500 ha sâm Ngọc Linh, định hướng đến 2030 trồng mới 10.000 ha, phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

Đặc biệt, việc Chương trình Sâm Việt Nam được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 đã mở ra cơ hội rất lớn cho các tỉnh có đầu tư phát triển cây sâm Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Theo chương trình tỉnh Kon Tum sẽ tập trung vào 9 nhiệm vụ chính: Tăng cường công tác thông tin truyền thông; Bảo tồn gắn với phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh; Nghiên cứu khoa học và quản lý chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh; Thúc đẩy chế biến, các sản phẩm sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; Xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; Tập trung nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh; Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng sâm Ngọc Linh gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi; Rà soát đất đai cho vùng chuyên canh cây sâm Ngọc Linh và cuối cùng là Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc đầu tư phát triển, chế biến sâm Ngọc Linh.

Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh

Là loại dược loại quý hiếm và giá trị cao nên nhiều năm qua, sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ bị giả mạo thương hiệu rất lớn. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

Theo đó, sâm củ Ngọc Linh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 18/6/2016. Theo Quyết định này, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Hội Dược liệu tỉnh Kon Tum phát hành, quản lý và cấp tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum theo số lượng sâm củ được khai thác.

Khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý ở diện tích rộng hơn, sản phẩm của công ty sẽ được bảo vệ trước hàng giả. Từ đó nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm sâm. Các công ty được cấp giấy chứng nhận phải có trách nhiệm tuân thủ Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum và các quy định có liên quan.

Chương trình Sâm Việt Nam với tầm nhìn chiến lược phát triển cây sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) theo hướng bền vững gắn với quản lý bảo vệ diện tích rừng tự nhiên; các sản phẩm chế biến từ sâm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia Sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây Sâm Việt Nam. Đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem