Trồng 6.000 cây cho gỗ quý tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ của Bắc Kạn

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 28/02/2023 19:16 PM (GMT+7)
Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên Nhiên Kim Hỷ và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã trao và trồng 6.000 cây giổi xanh tại xã Kim Hỷ, huyện Na Rì Bắc Kạn.
Bình luận 0

Ngày 28/2, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã trao, trồng 6.000 cây giổi xanh tại cánh rừng Lủng Chang (thôn Bản Kẹ, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). 

Bắc Kạn: 6000 cây Giổi xanh đã được trao,trồng tại Lễ Phát động trồng Tết trồng cây - Ảnh 1.

Lễ phát động Tết trồng cây tại cánh rừng Lủng Chang (thôn Bản Kẹ, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Ngân Đức Đổi, Trưởng thôn Bản Kẹ (xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, việc trồng 6.000 cây giổi xanh đã được thôn tuyên truyền, vận động đến toàn bộ bà con trong thôn thực hiện.

"Việc trồng cây giổi xanh có giá trị kinh tế cao giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Người dân trong thôn thường xuyên đi tuần rừng, kịp thời phát hiện các hiện tượng khai thác khoáng sản, lâm sản trong khu bảo tồn. Nhờ vậy, việc tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trong hai năm trở lại đây khá tốt, không có hiện tượng vi phạm"- Trưởng thôn Bản Kẹ nhấn mạnh.

Bắc Kạn: 6000 cây Giổi xanh đã được trao,trồng tại Lễ Phát động trồng Tết trồng cây - Ảnh 2.

Lực lượng Kiểm lâm và người dân trồng cây giổi xanh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Hoàng

Còn ông Hoàng Đức Uông (thôn Bản Kẹ, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ, được các cán bộ kiểm lâm tạo điều kiện trồng cây giổi xanh, gia đình ông rất vui.

"Người dân chúng tôi thường xuyên cắt cử, thay nhau thành từng tổ, tốp phối hợp với lực lượng kiểm lâm đi tuần rừng. Có những tổ chủ động tuần rừng không có cán bộ kiểm lâm, nếu phát hiện vi phạm sẽ báo cho lực lượng kiểm lâm và cán bộ địa phương. Tuy nhiên ở đây, đã lâu chúng tôi không phát hiện có việc xâm hại rừng"- ông Uông cho biết thêm.

Được biết, trong diện tích rừng đặc dụng đã giao cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ quản lý còn có trên 500ha là rừng trồng của người dân có trước khi thành Khu Bảo tồn; riêng xã Côn Minh có tới 472ha. Bởi vậy rất khó khăn cho việc khai thác các sản phẩm cây trồng do người dân đã đầu tư.

Người dân mong muốn sớm được đưa những diện tích rừng đó ra khỏi quy hoạch thuộc rừng đặc dụng, từ đó tạo điều kiện cho người dân được khai thác, sản xuất trồng rừng theo chức năng là rừng sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Bắc Kạn: 6000 cây Giổi xanh đã được trao, trồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ - Ảnh 3.

Ông Ngân Đức Đổi, Trưởng thôn Bản Kẹ (ngoài cùng bên phải) tham gia trồng cây tại cánh rừng Lủng Chang thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Ảnh: Chiến Hoàng

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Xuân Diệu, Hạt trưởng, phụ trách Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, Ban Quản lý Khu Bảo tồn được giao quản lý 15.053ha. Trong diện tích này có một số diện tích nhỏ lẻ, manh mún do người dân tự khai hoang để trồng cây nông, lâm nghiệp từ trước khi thành lập khu bảo tồn, ngoài ra cũng còn một số diện tích đất trống, đồi trọc.

Sắp tới, Ban Quản lý sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Đồng thời, thực hiện trồng các loài cây đa mục đích, các loài cây bản địa để quản lý bảo vệ, lưu trữ nguồn gen, hướng tới phủ xanh toàn bộ diện tích đất trống hiện có trong khu bảo tồn.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình "Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, lan tỏa lối sống xanh, khỏe mạnh tới đông đảo người dân, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

"Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" là chương trình trồng cây với quy mô lớn toàn quốc tại 13 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Những khu vực thực hiện đều có vai trò quan trọng với đời sống của người dân địa phương, là nơi sinh sống của nhiều giống loài động thực vật quý hiếm như rừng đầu nguồn sông Gianh, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế), rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu, Sóc trăng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem