Trông...

Thứ hai, ngày 18/04/2011 15:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - …Trông trời, trông đất trông mây/Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm... Câu ca dao đọng trên các mái rạ một thời tưởng như đã đi vào dĩ vãng. Nhưng hóa ra người ta chỉ có thể quên trong lúc nào đó, còn trong cuộc sống nông thôn hôm nay câu ca dao đó chưa mất...
Bình luận 0

Ở miền Bắc, năm nay cái rét đánh đu từ tháng Chạp đến hết tháng Hai chưa nhả khiến cây lúa bị vùi dập hai lần trồng đi cấy lại. Hôm nay những dảnh mạ vàng vọt đến giờ chưa thể đẻ nhánh. Gốc mạ vẫn ngó trời xanh chờ một tiếng sấm và cơn mưa rào cùng hơi mát nồm nam để vươn qua tuổi vị thành niên.

Đấy là trông trời, chứ còn gì nữa.

Đã hết đâu, giá cả phân bón rập rình theo lạm phát cũng tăng vài chục phần trăm. Có lúc thấy giá thóc tăng lên một chút đã có người hú lên: "Được mùa, nông dân thu bạc triệu, dân làm nông đổi đời". Rõ là những câu hoan hô của mấy ông ngồi bàn giấy...

Mấy chục năm trước đây nhà gianh vách đất còn nhiều, bờ vách nứt nẻ giống như da dẻ người già. Bây giờ nhà cấp bốn, tường gạch mái ngói không còn vết nứt nữa. Nhưng lại xuất hiện những vết nứt không nhìn thấy như là hồi đánh Mỹ, lớp trai trẻ ra trận, nông thôn chỉ còn người già, phụ nữ trẻ em. Bây giờ cũng thế thôi. Thanh niên một số ít đi xuất khẩu lao động, còn phần lớn kéo ra thành phố kiếm việc, bỏ lại nông thôn phía sau. Con cái họ lại lớn lên bên ông bà như xưa...

Một nông thôn đất đai không còn nhiều, nhưng chưa đủ hấp dẫn để giữ người ở lại quê nhà vì làm nông lợi ích thấp. Cho nên một lần nữa họ lại "trông" ra ngoài. Năm 2009 có dịp qua Nhật, tôi hỏi một chú em người Hà Tây xem người nông dân Nhật ra sao. Cậu ấy bảo "Có 3 sào trồng khoai lang nhưng mỗi năm họ thu tiền tỷ đó chú". Chính sách về nông nghiệp phải như thế nào thì mới cho nông nghiệp giá trị như thế chứ.

Vậy nên bây giờ chúng ta vẫn phải "trông" thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem