Trồng cao su làm giàu

Thứ năm, ngày 23/08/2012 09:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông trường Cao su Sơn Hồng (thuộc Công ty TNHH Cao su Hương Khê-Hà Tĩnh), tại xã Sơn Hồng hiện đã sản xuất và trồng được hàng vạn cây cao su để giúp nông dân ở đây xóa đói giảm nghèo...
Bình luận 0

Sau gần 3 tiếng vật lộn với những cung đường gồ ghề, khúc khuỷu của núi rừng phía tây huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), chúng tôi có mặt tại “bản doanh” Nông trường Cao su Sơn Hồng (thuộc Công ty TNHH Cao su Hương Khê-Hà Tĩnh), tại xã Sơn Hồng. 

Biến đồi trọc thành rừng xanh

Chỉ tay về phía những quả đồi có hàng chục xe máy đang hối hả thi công, ông Trần Thanh Long, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) vui vẻ cho biết: Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép chuyển 945,14ha rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc đối tượng rừng sản xuất được phép cải tạo và đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất sang trồng cao su trên địa bàn xã Sơn Hồng, công ty đã huy động tối đa nhân lực, vật lực triển khai ngay các bước của dự án.

 img
Ông Trần Thanh Long và ông Ngô Đăng Sửu kiểm tra vườn ươm cây cao su của nông trường.

Với chiến lược ưu tiên hàng đầu cho sản xuất nên công ty phải làm theo kiểu vừa “hành quân vừa sắp hàng”. Trong một thời gian ngắn Công ty vừa phải lo sắp đặt nhân lực, hình thành và cho ra đời bộ máy tổ chức của nông trường vừa phải xây dựng cơ sở hạ tầng để “an cư” nhằm “lạc nghiệp” lâu dài. Bước đầu triển khai dự án, bà con nhân dân địa phương chưa đồng thuận nên gặp rất nhiều khó khăn.

Trong quy hoạch phát triển cao su của tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2010 – 2020, diện tích phát triển cao su tiểu điền được quy hoạch khoảng 10.000ha, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc và một số diện tích ở Cẩm Xuyên.

Nhưng được sự ủng hộ, vào cuộc quyết liệt của huyện, xã, đồng thời đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nên đến nay bà con địa phương lại rất đồng tình và ủng hộ phát triển cây cao su tại đây. Với chính sách thu hút lao động tại chỗ là chính, đến thời điểm này nông trường đã có gần 300 cán bộ công nhân viên và người lao động, trong đó có 2/3 là người của địa phương.

Riêng xóm 9 - xóm trước đây phản đối quyết liệt nhất chủ trương phát triển trồng cây cao su ở đây đã có 70 người. Ông Trần Xuân Dục - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng cho biết: “Tuy mới triển khai chưa lâu nhưng nông trường đã tạo được niềm tin cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nên chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi và tạo điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt cho nông trường phát triển".

Nơi người lao động gửi gắm niềm tin

img
Công nhân làm cỏ, chăm bón cây cao su tại Nông trường Cao su Sơn Hồng.

Cũng theo ông Dục, một xã miền núi nghèo khó như ở đây mà người dân có việc làm, thu nhập ổn định là mô hình lý tưởng. Ông cho biết thêm, “Trong thời gian qua nông trường đã thu hút hàng chục lao động về làm việc, trong đó có 4 cặp vợ chồng đi làm ăn ở miền Nam. Hoặc như trường hợp của anh Đào Đình Xuyên, học trung cấp trồng trọt, đi trồng cao su mấy năm ở Lào, nay thấy nông trường phát triển ngay ở địa phương cũng trở về làm cho nông trường.

Có những thời gian, thời vụ ươm giống cao điểm, nông trường huy động hơn 300 bà lao động địa phương vào làm với mức thù lao 80.000 đồng/người/ngày. Việc này cũng đã tạo thêm thu nhập cho người dân ở đây. Nông trường đã tạo việc làm cho một số thanh niên lêu lổng, rượu, chè…, giúp họ tu chí làm ăn.

Tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Hùng, Trần Quốc Thường... đều ở xóm 9, trước đây thường xuyên gây gổ đánh nhau, rượu chè bê tha... nhưng từ khi được vào Nông trường có việc làm, thu nhập ổn định thì các anh đã bỏ được những tật xấu, trở thành những thanh niên lao động tích cực, có ích cho gia đình và xã hội”. Ông Dục phấn khởi: “Nếu cứ đà phát triển như thế này chỉ cần ít năm nữa cây cao su không chỉ xóa nghèo mà sẽ là cây đem lại sự giàu có cho bà con và địa phương”. Được biết thời gian qua, nông trường đã đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, chung sức xây dựng NTM tại địa phương.

Cây không phụ tình người

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Ngô Đăng Sửu - Giám đốc Nông trường Cao su Sơn Hồng cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã sản xuất được hàng chục vạn cây cao su tại chỗ, đảm bảo chất lượng và đã trồng được 300ha cây cao su trên vùng đất mới, cây phát triển tốt.

Những ha cây giống đầu tiên được trồng và chăm sóc đang đâm chồi, nảy lộc tốt tươi đang hứa hẹn một tương lai xán lạn về việc mở rộng diện tích, phát triển cây cao su trên vùng đất đầy tiềm năng của Hương Sơn.

Ông Sửu khẳng định với điều kiện khí hậu, đất đai phì nhiêu, lao động tại chỗ dồi dào, giao thông thuận tiện… việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cao su đại điền và tiểu điền ở Sơn Hồng nói riêng và các xã miền núi của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nói chung là rất cần thiết và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Bởi cây cao su khá thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng… ở đây.

Vấn đề còn lại là ý chí quyết tâm đổi mới tư duy của cán bộ, nhân dân các địa phương và sự nỗ lực, kiên định cùng đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp của cấp ủy, chính quyền huyện Hương Sơn. Có được sự đồng thuận ấy chắc chắn cây cao su sẽ trở thành cây mũi nhọn làm giàu trên mảnh đất đầy tiềm năng của các xã miền núi Hương Sơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem