Cho cây "siêu đẻ trái" ở chung trong vườn vải, tưởng trồng liều, ai ngờ nông dân Tây Nguyên thu 200-300 triệu/ha

Khương Lực Thứ sáu, ngày 15/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hiện nay, trồng chanh dây (chanh leo) đang hấp dẫn nhiều hộ nông dân ở Đắk Nông, Gia lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk… do lợi nhuận thu được cao, từ 200-300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, cây chanh dây có thể trồng xen trong các vườn cây ăn trái như nhãn, vải, hoặc trồng xen canh với cà phê…trong những năm đầu, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Bình luận 0

Những năm gần đây, chanh dây trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đã chuyển đổi sang trồng chanh dây hoặc trồng xen vào những vườn cây ăn quả, cà phê… đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, cho hiệu quả kinh tế cao.

Clip: Ông Trần Văn Luân, nông dân thôn 6B, xã Cư Ealang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ về hiệu quả kinh tế trồng xen chanh dây trong vườn nhãn, vườn vải.

Vườn chanh dây trồng 7 tháng của gia đình ông Trần Văn Luân, ở thôn 6B, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bắt đầu cho thu hoạch quả. Lứa quả đầu tiên ông bán được giá từ 12-15 nghìn đồng/kg, hiện giá giảm xuống còn khoảng 9.000 đồng/kg.

Ông Luân chia sẻ, gia đình ông mới trồng chanh dây nhưng đây là một cây trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Hầu hết các hộ dân trong xã Cư Elang đều trồng chanh dây, trừ chi phí mỗi ha cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng.

Với hiệu quả như vậy, gia đình ông Luân đã học hỏi và tiến hành trồng xen 600 gốc chanh leo trên diện tích 1,5ha vừa chuyển đổi từ cam, quýt sang trồng nhãn, vải. "Cây chanh leo trồng và thu hoạch kéo dài được 2 năm. Khi thu hoạch xong chanh leo thì cũng đến thời kỳ ăn bói nhãn, vải" – ông Luân thổ lộ.

Trồng xen chanh dây trong vườn nhãn vải, nông dân Tây Nguyên thu đều tay 200-300 triệu đồng/ha - Ảnh 2.

Chanh dây 7 tháng trồng xen trong vườn nhãn, vải của gia đình ông Trần Văn Luân, ở thôn 6B, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bắt đầu cho thu hoạch quả. Chanh dây trồng và thu hoạch trong 2 năm, khi thu hoạch xong thì cũng bắt đầu đến thời kỳ ăn bói nhãn, vải. Ảnh: Khương Lực.

Năm 2007, ông Luân và gia đình đã rời Ninh Bình vào xã Cư Elang lập nghiệp. Trên khu đất rộng 8h, ông trồng rừng 4ha, còn lại làm nhà và trồng cây ăn trái xung quanh. Trước khi trồng chanh leo, nhãn, vải, gia đình ông Luân đã trồng cam, quýt trên diện tích chừng 4ha.

Với đặc thù vườn cây cam, quýt trồng quanh nhà nên ngay từ đầu ông quyết định sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV sinh học. "Chưa bao giờ mảnh đất này dùng một giọt thuốc trừ cỏ, gia đình chỉ dùng máy phát cỏ xuống làm phân" – ông Luân nói và cho biết dù đã gắn bó về nghề làm nông hàng chục năm qua nhưng chưa có bác sỹ nào lấy được của ông viên thuốc nào.

Không chỉ có lợi về sức khỏe, do vườn cam, quýt nhà ông được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ nên giá bán lúc nào cũng cao hơn những hộ dân sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học khoảng 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, do thổ nhưỡng đất nơi đây là đất nghèo, nên tuổi thọ vườn cam, quýt kéo dài khoảng 6-7 năm. Chính vì thế, ông đã quyết định chuyển đổi vườn cam, quýt kém hiệu quả sang trồng nhãn, vải và trồng xen cây chanh dây.

Trực tiếp vào vườn cây, phóng viên Dân Việt thấy một màu xanh ngút ngàn của cỏ dại, chanh dây, nhãn, vải. Vườn chanh leo đang độ thu hoạch, quả sai lúc líu, không khí trong lành. Do cách tác theo hướng hữu cơ, dùng máy cắt cỏ nên hệ sinh thái trong vườn cây của gia đình ông rất đa dạng, những bãi đất giun đùn lên trong vườn rất to.

Trồng xen chanh dây trong vườn nhãn vải, nông dân Tây Nguyên thu đều tay 200-300 triệu đồng/ha - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trọng Tứ (bên phải) đánh giá cao mô hình trồng chanh dây xen trong vườn nhãn vải theo hướng hữu cơ của gia đình ông Trần Văn Luân và cho biết mô hình này đang lan tỏa ra nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Ảnh: Khương Lực.

Ông Luân chia sẻ, chanh dây trồng theo hướng hữu cơ quả nhẹ hơn do với các hộ dân sử dụng phân bón vô cơ và phun thuốc BVTV hóa học. Đổi lại, thời gian thu hoạch quả kéo dài hơn khoảng 15 ngày, mẫu mã đẹp và chất lượng quả ngon hơn.

"Thương lái bảo hàng của bác nếu số lượng nhiều, đủ xe thì họ sẽ mua, xuất đi Châu Âu, nhưng mình làm ít, chưa đủ" – ông Luân nói và cho biết gia đình ông đang mở rộng trồng thêm 2ha chanh dây.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Tứ, cán bộ nông nghiệp xã Cư Elang đánh giá cao mô hình trồng chanh dây, nhãn, vải theo hướng hữu cơ của gia đình ông Trần Văn Luân và cho biết mô hình này đang lan tỏa ra nhiều hộ dân trên địa bàn xã.

Năm 2005, xã Cư Elang tách ra từ xã Ea Ô và hiện vẫn là xã vùng III khó khăn của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Tứ, với đặc trưng "3 nghèo": đất nghèo, địa phương nghèo, hộ dân nghèo, trong những năm qua, chính quyền và người dân trong xã luôn nỗ lực, tìm hướng phát triển các cây, con để nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

"Hiện nay, dân ở đây làm theo giá cả, cái gì lên người ta theo, cái gì xuống người ta bỏ" – ông Tứ nói và cho biết hiện nay chanh dây đang được giá, lợi nhuận cao nên người dân đang tập trung đầu tư trồng, mở rộng diện tích. Tổng diện tích chanh dây trên địa bàn toàn xã hiện vào khoảng 150ha.

Vùng Tây Nguyên với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, chỉ ít năm trở lại đây nông dân đã phát triển, trồng hàng ngàn ha chanh dây. Hiện đầu tư trồng 1 ha chanh dây tốn khoảng 70-100 triệu đồng, sau 5-7 tháng là đã cho thu hoạch, vòng đời khoảng 2-3 năm.

Với năng suất dao động từ 70-90 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi từ 200-300 triệu/ha. Với mức giá này, nhiều nhà vườn đã có thu nhập ổn định từ chanh dây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem