Trồng chôm chôm theo GAP: Liên kết còn lỏng lẻo

Thứ tư, ngày 07/12/2011 08:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại ĐBSCL hiện đã hình thành một số tổ hợp tác/HTX trồng chôm chôm theo VietGAP/GlobalGAP nhưng giá bán vẫn chưa có sự chênh lệch tương xứng với những gì nông dân đầu tư, khiến họ chưa mặn mà với mô hình này.
Bình luận 0

Doanh nghiệp (DN) liên kết với các tổ hợp tác này lại chưa có thị trường tiêu thụ ổn định và đủ mạnh. Do đó khi bán, DN vẫn phải bán chung sản phẩm GAP cùng thị trường trái cây sản xuất không theo GAP.

Mặt khác vì muốn giữ nguồn hàng sản xuất theo GAP với hy vọng sẽ có cơ hội tăng lượng hàng xuất khẩu khi tìm kiếm được khách hàng, một số DN đã tăng giá mua cho nông dân 300 - 500 đồng/kg hoặc 10 - 20% so với giá thị trường. Tuy nhiên số DN dạng này còn ít, hoặc quá sức chịu đựng của DN về vốn, kinh nghiệm thương trường nên không thể bao tiêu hết sản lượng cho nông dân.

img
Tình trạng tranh mua tranh bán làm giá chôm chôm bấp bênh.

Ngoài ra, để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu, trái chôm chôm phải có màu sắc đẹp, tươi, kích cỡ và trọng lượng lớn (từ 28 - 32 trái/kg), sạch vết tồn dư của sâu bệnh hại, côn trùng trên trái (vết chích, vết cắn...). Điều này nông dân chưa thực sự đáp ứng được, chủ yếu do chưa đầu tư đúng mức cho khâu chăm sóc trước và sau khi hái trái, nhất là thời gian cận thu hoạch.

Từ đó dẫn đến chuyện tranh cãi giữa DN và nông dân trong thu mua tiêu thụ sản phẩm. Sự việc này sẽ còn tiếp diễn không chỉ về mặt giá cả mà còn về sản lượng thu mua, nếu không có giải pháp để cải thiện chất lượng sản phẩm tại nơi sản xuất và hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN.

Một vấn đề còn tồn tại nữa trong khâu tiêu thụ chôm chôm là chuyện tranh mua, tranh bán giữa các DN xuất khẩu. Khi nguồn cung nhiều thì đua nhau hạ giá, khi nguồn cung thiếu, giá lên thì dùng mọi cách để tranh giành mua chôm chôm từ nông dân.

Từ những vấn đề còn tồn tại trên đây, việc cần làm là phải thực hiện liên kết vùng trong sản xuất chôm chôm giữa các địa phương: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... Từ đó, xây dựng hệ thống các tổ hợp tác/HTX có mối liên kết chặt chẽ với một đầu mối chỉ đạo duy nhất. Đầu mối này sẽ điều tiết, phân bố rải vụ chôm chôm một cách chủ động và hợp lý, hạn chế tình trạng lúc khan hiếm, lúc quá tải "dội chợ" chôm chôm cung cấp cho thị trường.

Đây là việc làm không đơn giản, nhưng cũng không thể chậm trễ hơn nữa. Ngành trái cây ở ĐBSCL cần phải nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác theo mô hình tổ nhóm/HTX, xây dựng các cơ chế điều hành liên kết hợp tác giữa các tỉnh trồng cây ăn trái nói chung và cây chôm chôm nói riêng.

(Viện Cây ăn quả Miền Nam)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem