Ở Thừa Thiên Huế Chi có các tổ hội nông dân nghề nghiệp đạt doanh thu tiền tỷ/năm
Ở Thừa Thiên Huế có các tổ hội nông dân nghề nghiệp đạt doanh thu tiền tỷ/năm
An Sơn
Thứ sáu, ngày 04/10/2024 09:32 AM (GMT+7)
Ngày 2/10, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện các nghị quyết số 04,05,06-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, vào ngày 5/9/2019, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 59-KH/HNDT về việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai Chương trình hành động thực hiện 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Sau 5 năm, toàn tỉnh đã thành lập mới được 23 chi hội nông dân nghề nghiệp với 400 thành viên, tổng số chi hội hiện nay là 30 chi hội với 446 thành viên. Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt thiết thực, bổ ích... đã giúp cho việc tổ chức sinh hoạt các chi hội được dễ dàng, phù hợp.
Đã có nhiều mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, điển hình như: Chi hội khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản xã Điền Hải (huyện Phong Điền) với 64 thành viên, thu hoạch bình quân 440 tấn hải sản/năm, thu nhập bình quân 11,8 tỷ/năm; Chi hội trồng thanh trà phường Thuỷ Biều (TP.Huế) với 25 thành viên, diện tích 3 ha, bình quân thu nhập 1 tỷ đồng và lợi nhuận 800 triệu/1 ha; Chi hội trồng hành lá phường Hương An (TP.Huế) với 35 thành viên, diện tích 4 ha, doanh thu 2,8 tỷ đồng và lợi nhuận 1,8 tỷ đồng/năm...
Toàn tỉnh cũng thành lập mới 200 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 2.000 thành viên, tập trung ở các ngành nghề như trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây dược liệu, nghề mộc, nuôi cá, rau an toàn. Tổng số tổ hội hiện nay là 242 với 2.317 thành viên...
Nhiều mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả như: Tổ hội nuôi cá chình tại xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) với 25 thành viên, doanh thu hằng năm đạt 1,2 tỷ đồng; Tổ hội nuôi xen ghép tại thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) với 20 thành viên, doanh thu hằng năm đạt 1,2 tỷ đồng; Tổ hội trồng và khai thác gỗ rừng trồng ở Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) với 10 thành viên, lợi nhuận hằng năm đạt từ 100 - 300 triệu đồng; Tổ hội nuôi bò sinh sản và vỗ béo tại xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) với 9 thành viên, doanh thu hằng năm đạt 750 triệu đồng; Tổ hội trồng Sen tại phường An Hoà (TP.Huế) với 19 thành viên, doanh thu hằng năm đạt 500 triệu đồng; Tổ hội trồng cây trầm gió tại phường Thuỷ Xuân (TP.Huế) với 11 thành viên, doanh thu hằng năm đạt 500 triệu đồng ...
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo rà soát và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hội viên, đảm bảo điều kiện, tiêu chí kết nạp hội viên. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã kết nạp mới 16.749 hội viên. Các cấp Hội đã bồi dưỡng, giới thiệu cho các cấp ủy kết nạp được 750 hội viên nông dân ưu tú vào Đảng, tổng số hội viên là đảng viên hiện nay đạt 8.307 hội viên. Công tác quản lý hội viên tiếp tục được chấn chỉnh thông qua việc lập sổ theo dõi hội viên và phần mềm qua Internet, sổ thu hội phí, sổ nghị quyết chi hội.
Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", hằng năm có 31.000 hộ hội viên nông dân ở tỉnh được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên nông dân, mạnh thường quân đã quyên góp, hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng, 26.937 ngày công, cây giống, con giống, lương thực trị giá 782 triệu đồng để giúp đỡ 2.264 hộ hội viên nông dân có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Các cấp Hội đã vận động thành lập 64 Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với 700 thành viên tham gia sinh hoạt. Thông qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, có mức thu nhập cao. Các Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp để hỗ trợ xóa 12 nhà tạm cho hội viên nông dân nghèo với kinh phí 495 triệu đồng.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh mở 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 325 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở. Hội Nông dân các huyện, thị, thành Hội phối hợp với Trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố mở 42 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công tác Hội cho 5.688 Chi hội trưởng, Chi hội phó nông dân của 131 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội 1 tháng cho 70 người là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở.
Các cấp Hội ở tỉnh đã phối hợp và hướng dẫn thành lập mới 35 hợp tác xã nông nghiệp với 621 thành viên, hướng dẫn thành lập mới 123 tổ hợp tác với 1.380 thành viên. Các cấp Hội tổ chức 2.300 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 87.843 lượt hội viên, phối hợp với chính quyền, các ngành hỗ trợ, hướng dẫn hội viên các hồ sơ, thủ tục và có 49 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) ra quyết định bảo hộ, 76 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện các Nghị quyết 04,05,06 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Để tiếp tục tổ chức triển khai 3 nghị quyết mang lại hiệu quả hơn, ông Nguyễn Chí Quang chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo để cán bộ, hội viên nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với việc triển khai xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Hội Nông dân các cấp được giao tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân; chủ động xây dựng mối liên kết giữa hội viên, nông dân với doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã phù hợp với nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên; củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nông dân các cấp theo hướng tập trung về cơ sở, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.