Trẻ không nói dối?
Hàng loạt các vụ xâm hại tình dục diễn ra trong thời gian gần đây đã gây nên nỗi ám ảnh rất lớn trong dư luận xã hội, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ.
Để can thiệp hiệu quả các vấn đề của trẻ em, trước hết người lớn phải tin trẻ em (ảnh minh họa). Ảnh: Diệu LInh
Ở phía gia đình, cha mẹ cần quan tâm lắng nghe con cái và dành nhiều thời gian cho trẻ cũng như bình tĩnh lắng nghe, không tức giận nhằm giúp cho trẻ tự tin hơn trong việc tham gia vào các vấn đề liên quan đến mình trong gia đình”.
Bà Nguyễn Phương Linh
|
Tại buổi đối thoại chính sách “Sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em” ngày 16.3, bà Lê Hoàng Yến - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định rõ về trách nhiệm của đơn vị trong việc bảo vệ trẻ em. Trong đó, có tới 15 cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ quyền của trẻ em. Tuy nhiên, thực tế, quyền của trẻ dường như vẫn “đứng ngoài lề” khi nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em dần rơi vào quên lãng.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD) cho rằng, 15 cơ quan này bao gồm rất nhiều thành phần trong xã hội, từ các bộ ban ngành, tổ chức xã hội và gia đình… “Khi có vụ việc xảy ra, xã hội nghĩ đến 15 cơ quan này và cho rằng phải có một đơn vị nào đó đứng ra chịu trách nhiệm. Bản thân tôi cũng nghĩ cần phải có bên chịu trách nhiệm. Nếu có đầu mối để biết được rằng chúng ta phải “kêu” ở cửa nào thì sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thay vì việc đi tìm nơi để đổ lỗi, chúng ta hãy nhìn lại những lỗ hổng từ chính cá nhân, gia đình, trường học trong việc không tạo cho trẻ… quyền được nói” – bà Linh nói.
Bà Linh phân tích, về phía gia đình, hầu hết các vụ việc đều được phát hiện rất muộn, đôi khi người thân phát hiện ra rồi nhưng không lên tiếng. Về phía nhà trường, ví dụ như vụ học sinh gãy chân ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, thậm chí học sinh còn được phát phiếu và làm khảo sát theo ý người lớn.
“Các em không có quyền nói không! Trong nhiều diễn đàn, chính sách có lấy ý kiến của trẻ, nhưng vẫn có rất nhiều bài diễn văn do các em góp ý nhưng được người lớn viết. Như vậy, cả hệ thống từ gia đình, nhà trường đến xã hội đều chưa tạo điều kiện để trẻ nói lên tiếng nói thực sự của mình” – bà Linh nói.
Chứng minh điều này, bà Linh cho biết, trong một số vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gần đây, mặc dù có đơn khiếu kiện, có lời khai của người chứng kiến là trẻ em, nhưng những lời khai của trẻ vẫn không được coi là chứng cứ bổ sung để luận tội. “Chúng ta đang trọng chứng cứ hơn là những lời khai của nạn nhân, nhân chứng. Các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp, chứng cứ ít, thậm chí không có nếu là vụ dâm ô chỉ sờ soạng bên ngoài cơ quan sinh dục. Khi đó, tổn hại về thể xác đối với các em không nhiều bằng tổn hại về tinh thần. Nếu không có nghiệp vụ tốt, không biết cách khai thác thông tin từ trẻ và tôn trọng lời nói của trẻ thì việc đi đến kết luận về vụ việc là rất khó khăn. Trẻ em không nói dối. Vì vậy nên tạo môi trường để các em nói lên tiếng nói bảo vệ mình” – bà Linh nói.
Hãy để trẻ em nói
Để đẩy mạnh “quyền được nói” cho trẻ em trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến các em, theo các chuyện gia, cần đẩy mạnh hơn nữa việc “kích hoạt” các chính sách về quyền trẻ em.
Để làm tốt điều này, bà Trần Thị Diệu Thúy – chuyên viên Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) khuyến nghị, trong tất cả quá trình lập kế hoạch hỗ trợ cho trẻ em là nạn nhân của xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và quá trình lập kế hoạch chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần có sự tham gia của trẻ em ngay từ lúc bắt đầu.
Ngoài ra, bà Linh cũng cho rằng, từ gia đình, nhà trường cũng phải thay đổi ý thức. Nhà trường cần thúc đẩy và tạo điều kiên cho trẻ đóng góp ý kiến vào các hoạt động trong nhà trường như các hoạt động ngoại khóa, góp ý kiến vào việc tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết… “Thông qua các hình thức như tham khảo ý kiến của các em ở từng lớp hoặc phát phiếu hỏi cho các em tham gia ý kiến hay bầu ra các bạn đại diện cho lớp để thu thập ý kiến của cả lớp và chia sẻ với nhà trường. Nhà trường cũng nên tham khảo ý kiến các em về phương pháp giảng dạy để các tiết học sinh động và không nhàm chán” - bà Linh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.