Trồng dừa xiêm Mã Lai, cây thấp tè đã ra đầy trái đỏ, nhà nào ở Vĩnh Long trồng cũng đều khá giả
Trồng dừa xiêm Mã Lai, trái ra đều đều, tiền vô lai rai, nông dân ở xã này của Vĩnh Long sống khỏe
Thứ hai, ngày 29/08/2022 19:00 PM (GMT+7)
Một số nông dân trồng dừa Mã Lai ở xã Chánh An (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, trồng dừa ít tốn công chăm sóc, nhẹ vốn đầu tư. Đến tuổi thu hoạch thì “hái trái”bán suốt nên giúp gia đình có thu nhập lai rai hàng tháng.
Đến ấp Vàm Lịch (xã Chánh An) hỏi thăm “hộ trồng dừa lâu năm”, một số nông dân cho hay phải kể đến vườn dừa của ông Trần Văn Triệu với khoảng 20 năm “cho trái rất chuẩn, đẹp, ngon, ít hư hao và mỗi buồng chỉ chừa 18- 19 trái trở lại chứ không hơn...”.
Ông cũng là người “yêu dừa nhất” nên nhớ từng cây dừa được trồng bao nhiêu ngày, chừng nào ra lưỡi mèo, chừng nào sẽ khô… Có cây cao tới 7- 8m, ông vẫn bắc thang lên rửa từng bẹ, lột xơ cho sạch.
Cùng ngụ ấp Vàm Lịch, có hơn 5 công dừa Mã Lai khoảng 5 năm, anh Lê Thành Thương cười tươi: “Trồng dừa phải kỹ chứ để u xù quá thì thu hoạch không cao. Bên cạnh, phải chống, chỏi buồng để tránh nặng quá dễ sạt, gãy cổ, rụng trái. Giá dừa tươi tầm 50.000- 70.000 đ/chục (12 trái) là ngon ăn. Năm rồi giá thấp nhất là 55.000 đ/chục, gần đây là 60.000- 75.000 đ/chục”.
Cũng ở ấp Vàm Lịch, có 24 gốc dừa Mã Lai trồng đã 4 năm, chị Phạm Thị Muốn cho biết, vườn dừa cho thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nói chung “tiền dừa mua gạo ăn không hết” và do ít tốn công chăm sóc nên có thể đi làm, chăn nuôi thêm.
Nhà gần đó, chị Lê Thị Xay có 5 công dừa Mã Lai trồng 10 năm nay. Chị cười khoe: “Mới bán chừng 10 ngày nay, hái được gần 2 thiên (1.200 trái/thiên), giá bán 75.000 đ/chục nên thu được khoảng 15 triệu đồng”. Chị Xay cho biết thêm, tháng nắng thì hái được hơn một thiên vì thời điểm này nhiều cây có cổ sai cỡ 20 trái/quầy.
Tháng mưa thì hái khoảng một thiên trở lại vì có cây bỏ cổ, trái ít. Cũng theo chị Xay, trồng dừa phải ngừa rầy đeo, kiến, gián nhện, thúi đọt, sâu lá… Tháng mưa thì phải kỹ để không bị “gãy cổ”. Tuy nhiên, “không bắt buộc phải theo sát mà trong ngày khi nào có thời gian rảnh thì ra vườn chăm sóc dừa. Đến ngày thu hoạch, lái tới tận nơi hái dừa, đếm trái, mình chỉ chờ lấy tiền nên… khỏe”.
Trong khi đó, anh Đỗ Chí Tâm cũng có 2 công dừa Mã Lai được khoảng 8 năm. Anh cho biết, trước đây anh trồng nhãn da bò nhưng cây bị bệnh chổi rồng, nên anh chuyển sang trồng dừa. “Trồng dừa Mã Lai cho thu nhập ổn định”- anh Tâm nói và nhẩm tính: mỗi cây cho gần 200 trái/năm. Như vậy, trừ chi phí phân thuốc thì tính bình quân mỗi cây kiếm lời 50.000 đ/tháng là “chắc cú khỏe re”.
Dừa xiêm Mã Lai cho trái ra đều đều, tiền vô lai rai
Theo anh Tâm, cây dừa Mã Lai được nông dân ưa chuộng vì có thể cho thu nhập mỗi tháng, lại rất ít tốn chi phí phân thuốc và công chăm sóc. Do đó, có thể làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Bản thân anh thì tận dụng diện tích vườn ươm dừa giống, nuôi thêm gà, trồng mai và kiêm luôn nghề sửa mai.
Anh Tâm cho biết, dừa Mã Lai ít bị đuông ăn so với một số giống dừa khác… Nếu chăm sóc tốt thì sau 2,5 năm trồng sẽ có thu hoạch. Từ 3 năm thì cây cho trái nhiều. Thêm vào đó, cây dừa có tuổi thọ rất cao, có thể ăn vài ba chục năm là chuyện bình thường, đặc biệt là cây càng cao tuổi thì trái càng đẹp và càng ngon.
Anh tâm cho biết thêm, trước đây anh trồng mỗi công khoảng 40- 42 gốc dừa. Hiện nhiều hộ trồng tăng lên thành 60- 62 gốc do “trồng đôi”: 2 cây trồng cặp khoảng 2m, sau đó chia ra cứ 4m trồng tiếp. “Cách trồng này giúp lợi đầu cây hơn”- anh Tâm nói.
Là người “sống nhờ vườn”, ông Đỗ Văn Vĩnh cho biết: “Từ hồi chuyển qua dừa thấy kinh tế khá ổn định. Với 6 công dừa, cây khá sai trái, mỗi buồng từ 20 trái trở lên. Hiểu ý để chăm sóc, dừa cho trái đều đều. Chừng 7 bữa bán một lần nên tiền vô lai rai hoài”.
Vừa tham gia một lớp tập huấn phòng trị bệnh cho dừa, theo ông Vĩnh, trồng dừa biết cách chăm sóc thì cho hiệu quả cao. Theo đó, người trồng cần học hỏi kinh nghiệm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn… Ông Vĩnh cũng cho rằng, phải nghiên cứu kỹ thuật, quan tâm giá cả, lợi nhuận trước khi quyết định trồng một loại cây nào đó, tránh thấy mọi người làm gì cũng làm theo mà không nghiên cứu kỹ.
Anh Lê Thanh Trung- Cán bộ Khuyến nông xã Chánh An: Toàn xã có hơn 98,7ha dừa, trong đó có 25,9ha dừa Mã Lai, còn lại là dừa cao, dừa xiêm… Hiện có khoảng 100 hộ trồng dừa tập trung, nhiều nhất là ở ấp Vàm Lịch, còn lại một số hộ trồng rải rác.
Thời gian qua, có khoảng 2,7ha dừa bị sâu đầu đen. Địa phương đã phối hợp tổ chức hội thảo về sâu đầu đen hại dừa và biện pháp phòng trừ, nhằm giúp nông dân ngăn chặn kịp thời thiệt hại của vườn dừa và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.