Làm lúa có lãi không?: Thông tin bất ngờ từ một Tổng Giám đốc

Nguyễn Tố Thứ năm, ngày 02/06/2022 10:09 AM (GMT+7)
Làm lúa có lãi không? PV Dân Việt bất ngờ nhận được câu hỏi và thông tin từ ông Trần Mạnh Báo- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed chia sẻ thông tin, một anh nông dân ở Hải Phòng thu hoạch được tới 265kg thóc/sào và lãi tới hơn 45 triệu đồng/ha.
Bình luận 0

Trong khi rất nhiều nông dân có xu hướng bỏ ruộng, "chán lúa" vì cho rằng thu không đủ bù chi thì anh Trần Mạnh Hùng ở xã Trấn Dương, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lại có thể thu lãi tới hơn 45 triệu đồng/ha. Với 20ha lúa nếp A Sào, 20ha lúa BC-15 vụ xuân năm nay anh Hùng lãi hơn 1,2 tỷ đồng.

Trồng lúa lãi tiền tỷ

Câu chuyện trên được ông Trần Mạnh Báo, Anh hùng lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed chia sẻ. Cụ thể, anh Hùng trồng 20ha giống nếp A Sào của Thaibinh Seed, năng suất đạt 265kg/sào.

Trồng giống lúa nếp đặc sản, một nông dân ở Hải Phòng lãi gần 1 tỷ đồng/vụ - Ảnh 1.

Anh Trần Mạnh Hùng (trái) và ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thaibinh Seed kiểm tra sự phát triển của nếp A Sào. Ảnh: FB Trần Mạnh Báo

Theo tính toán của anh Hùng, chi phí đầu tư khoảng 28 triệu đồng/ha, với giá bán 10.000 đồng/kg anh Hùng thu về 73,6 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí anh Hùng lãi 45,6 triệu đồng/ha, như vậy với 20ha nếp A Sào, anh Hùng lãi 912 triệu đồng.

Liên hệ với anh Trần Mạnh Hùng, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi đây là vụ đầu tiên anh trồng nếp A Sào. Anh chia sẻ: "Ban đầu khi đưa giống về tôi rất băn khoăn vì đây là giống mới, không biết năng suất chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh ra sao. 

Nhưng qua chăm sóc tôi thấy đây là giống lúa tiềm năng, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn tốt hơn so với giống nếp địa phương. Ban đầu, năng suất ước đạt 230-240kg/sào nhưng sau khi thu hoạch, năng suất thực tế lên tới 265kg/sào, cao hơn giống nếp địa phương 60-70kg/sào. Tôi thực sự rất bất ngờ".

Trồng giống lúa nếp đặc sản, một nông dân ở Hải Phòng lãi gần 1 tỷ đồng/vụ - Ảnh 2.

Theo đánh giá của anh Hùng, nếp A Sào có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết, năng suất vượt trội, đạt 265kg/sao, cao hơn giống nếp địa phương 60-70kg/sào.

Cũng theo anh Hùng, nếp A Sào có thời gian sinh trưởng vụ Xuân miền Bắc 125-135 ngày, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khỏe, bộ lá đứng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận. Hạt gạo tròn, màu trắng đục, xôi mềm dẻo, thơm ngon.

Ngoài nếp A Sào, anh Hùng còn trồng 20ha giống lúa BC-15 cũng của Tập đoàn Thaibinh Seed, lãi khoảng 15 triệu đồng/ha, tương đương 300 triệu đồng/20ha. Như vậy, nhờ trồng lúa, anh Hùng lãi tới 1.2 tỷ đồng/vụ. "Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất ổn định thì mức lãi hơn 2 tỷ đồng/năm là hoàn toàn có thể đạt được" - anh Hùng vui mừng chia sẻ.

Nông dân hoàn toàn có thể giàu lên nhờ trồng lúa

Hỏi vì sao lại trồng lúa mà không phải là mô hình khác có tiềm năng, lợi thế cao hơn, anh Hùng chia sẻ: Anh vốn công tác trong ngành sản xuất lúa giống nên am hiểu các bộ giống, hiểu được đặc tính, cách trồng, chăm sóc... vì thế rất tự tin khi chuyển sang canh tác lúa.

Trồng giống lúa nếp đặc sản, một nông dân ở Hải Phòng lãi gần 1 tỷ đồng/vụ - Ảnh 3.

Theo anh Trần Mạnh Hùng nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ lúa nếu thay đổi tư duy canh tác. Ảnh: FB Trần Mạnh Báo.

Chi phí 1 sào lúa hết bao nhiêu?

Anh Trần Mạnh Hùng cũng tiết lộ chi phí sản xuất của anh gồm: 1,2kg thóc giống/sào tương đương 45.600 đồng (anh Hùng gieo mạ khay nên giảm được lượng giống); công cấy, làm đất 200.000 đồng/sào (sử dụng máy); phân bón 10kg/sào tương đương 150.000 đồng/sào; thuốc trừ sâu 150.000 đồng/vụ/sào; công gặt 120.000 đồng/sào.

Tính cả tiền thuê đất, công chăm sóc thì chi phí khoảng 1 triệu đồng/sào, tương đương 28 triệu đồng/ha. Tiết kiệm được khoảng 400.000 đồng/sào so với sản xuất manh mún kiểu truyền thống.

Anh cũng biết thêm anh thuê lại đất của dân, ký hợp đồng 3 năm một và năm nay là năm thứ 7 anh thuê đất trồng lúa. "Trước khi chuyển hẳn sang lúa, tôi cùng đã kinh qua rất nhiều mô hình khác như: măng tây, tỏi, bí đỏ, ớt... thua lỗ cũng rất nhiều và cuối cùng nhận thấy trồng lúa là nhiều tiềm năng và ổn định nhất. Từ khi trồng lúa chỉ duy nhất 1 năm tôi lỗ do cây nhiễm lùn sọc đen, còn lại đều lãi".

Nói về kinh nghiệm làm giàu từ lúa, anh Hùng cho rằng: "Các cụ đã dạy "nhất giống" quả là không sai. Qua 7 năm tôi đã trồng không biết bao nhiêu giống lúa nhưng đây là năm có năng suất cao nhất, do vậy lựa chọn giống lúa là khâu cực kỳ quan trọng. Vụ mùa tới đây tôi sẽ tiếp tục gieo trồng 2 giống lúa này và hy vọng năng suất cũng sẽ đạt mức kỷ lục như vụ xuân".

Ngoài giống thì diện tích trồng cũng quan trọng không kém. Sở dĩ tôi lãi nhiều là do tôi trồng với diện tích lớn, áp dụng được cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhờ đó giảm chi phí đầu vào, giảm công chăm sóc, cấy, gặt... nên lãi cao hơn".

Làm lúa có lãi không?: Thông tin bất ngờ từ một Tổng Giám đốc - Ảnh 5.

Bảng chi tiết chi phí 1 sào trồng lúa của anh Trần Mạnh Hùng

"Từ kinh nghiệm bản thân tôi khẳng định bà con nông dân hoàn toàn có thể giàu lên nhờ lúa, quan trọng là từ bỏ lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ truyền thống; chuyển sang canh tác trên diện tích lớn, đưa cơ giới hóa, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng thì chắc chắn năng suất và thu nhập sẽ tăng" - Anh Trần Mạnh Hùng chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem