Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Văn Tính, ngụ ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) cùng người thân trong gia đình đã mang giống cây gòn về trồng trên một diện tích lớn.
Việc trồng cây gòn khiến nhiều người dân xung quanh bất ngờ, bởi từ trước đến nay, cây gòn chỉ được trồng rải rác ở các hộ dân và mục đích chính vẫn là bán trái gòn, lợi nhuận không cao.
Anh Nguyễn Văn Tính bên vườn cây gòn của gia đình.
Anh Tính cho biết, gia đình anh đầu tư trồng gòn là do tìm hiểu thị trường, biết được người dân khu vực Tây Nguyên cũng như một số người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu mua cây gòn về để làm trụ trồng tiêu. Thấy cây gòn dễ trồng, anh Tính bàn với người thân quyết định trồng trên diện tích khoảng 3 ha, riêng anh Tính trồng gòn với diện tích hơn 3.000m2.
Trồng cây gòn làm trụ cho tiêu leo rất lợi thế, vốn thân cây gòn mọc thẳng đứng, rất khó ngã đổ, lại lợi thế về chiều cao, có thể chừa nhánh cho tiêu leo từ 5-6 cm để tăng năng suất, trong khi đó các loại cây trụ khác không thể có được.
Theo anh Nguyễn Văn Tính, cây gòn dễ trồng, phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc.
Anh Tính giải thích, gòn là loại cây lớn nhanh, phát triển mạnh, ít tốn công chăm sóc, chỉ tỉa nhánh cho cây tập trung lên thẳng. Trong thời gian trồng, người dân chỉ bỏ công làm cỏ và bón phân cho cây, không cần phải bỏ nhiều thời gian chăm sóc như những loại cây trồng khác.
Thời gian trồng cây gòn chỉ khoảng 1 năm, đến khi cây có đường kính gốc khoảng 8cm, chiều cao 3m, thương lái sẽ đến vườn thu mua tại vườn.
Hiện nay, giá cây gòn được thương lái thu mua trung bình khoảng 30.000 đồng/cây. Với diện tích chỉ khoảng hơn 3.000m2, mỗi năm thu hoạch được hơn 1.300 cây gòn, sau khi trừ hết các chi phí, gia đình anh Tính thu nhập khoảng 35 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn so với trồng các loại cây khác.
Gòn bán quanh năm, nhưng chủ yếu vào đầu mùa mưa, đây là thời điểm người dân bắt đầu xuống giống trồng tiêu.
Nhi Trần (Báo Tây Ninh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.