Trồng hoa giấy bạt ngàn, tới kỳ bung hoa "vô tội vạ", anh nông dân An Giang giàu hẳn lên
Trồng thứ cây cảnh bạt ngàn, đếm không xuể, tới kỳ bung hoa "vô tội vạ", anh nông dân An Giang trúng luôn
Thứ tư, ngày 22/03/2023 05:02 AM (GMT+7)
Nhạy bén với thị trường, một số nông dân ở xã Long Kiến (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) quyết định chuyển sang trồng hoa giấy trên nền đất ruộng. Vừa bán gốc nguyên thủy, nông dân còn học hỏi kỹ thuật ghép hoa giấy, tạo thêm nhiều màu sắc cho cây hoa giấy, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng đa dạng của người chơi...
Tròn 1 năm anh Nguyễn Trọng Tuấn, xã Long Kiến (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bén duyên với nghề trồng hoa giấy.
Trước đó, thấy vài nông dân địa phương chuyển đổi sang trồng hoa giấy cho hiệu quả kinh tế ổn định, anh Tuấn lân la học hỏi, tự tìm qua làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) để nhập khoảng 7.000 cây hoa giấy giống về trồng trên 9.000m2 đất nhà.
Trước đây, diện tích này anh trồng lúa, nhưng do xung quanh đều lên vườn, đường nước dẫn vào ruộng khó khăn. Anh Tuấn quyết định lập vườn trồng vài giống cây ăn trái. Tuy nhiên, vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Theo anh Tuấn, so với nhiều loại cây trồng khác, cây hoa giấy rất dễ chăm sóc. Chỉ cần tưới nước, bón phân, dọn cỏ, cây đã phát triển nhanh, tươi tốt.
Minh chứng là trồng chưa đến 1 năm mà vườn hoa giấy của anh Tuấn vươn cao hơn 2m, nhiều cành, đặc biệt bộ rễ rất đẹp với nhiều hình dáng khác nhau.
"Cực chỉ ở lúc mới đem về trồng, vì cây giống nhỏ, cần quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Ngoài ra, phải canh thời điểm thay chậu để cây tập trung phát triển vào bộ rễ, rễ càng đẹp bán càng có giá.
Đến khi rễ bám được xuống đất thì khỏi tưới nước vẫn được. Thêm phần hoa giấy hầu như không bị sâu bệnh, nên tôi khỏe lắm” - anh Tuấn chia sẻ.
Vườn trồng hoa giấy với hàng ngàn cây của các gia đình nông dân xã Long Kiến (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Lúc mới trồng khoảng 5-6 tháng, có người đến hỏi mua hoa giấy, nhưng anh chưa gấp bán. Vì đối với những loại hoa kiểng như hoa giấy, giá cả tỷ lệ thuận số tuổi của cây.
Giống hoa giấy anh Tuấn đang trồng đều là giống hoa giấy nguyên thủy có màu tím, thường sẽ được cung cấp cho vườn kiểng để thợ chuyên nghiệp ghép thêm màu sắc trước khi đưa ra thị trường.
Khuôn viên xung quanh nhà cũng được nông dân đặt, trồng những chậu hoa giấy và nhiều loại cây cảnh khác mà thị trường có nhu cầu. Các vườn hoa giấy tuy mới lập nhưng nổi tiếng ở xã Long Kiến (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Vừa đi tham quan vườn hoa giấy, anh Tuấn sẵn tay bới đất xung quanh gốc hoa giấy. Chỉ vài thao tác nhẹ, một gốc hoa có bộ rễ uốn lượn, đan vào nhau dần hiện ra.
“Những gốc hoa giấy này thì chỉ cần vô chậu, cho bộ rễ hiện ra là đẹp lắm. Thường gốc đẹp giá cao hơn, dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/gốc. Qua Tết Nguyên đán, thương lái đến mua về ghép thêm nhiều màu sắc, chăm sóc để chuẩn bị cho mùa Tết năm sau nữa xuất bán” - anh Tuấn giải thích.
Với mức giá hiện tại, trừ phần đầu tư giống ban đầu, công chăm sóc, phân bón… cây hoa giấy mang lại lợi nhuận kinh tế ổn định. Chính vì vậy, khi bán xong vườn, anh Tuấn sẽ tái sản xuất. Ngoài ra, anh còn ấp ủ dự định học hỏi kỹ thuật ghép cành thêm nhiều hoa cho cây, vừa tăng giá trị cho cây, vừa tăng lợi nhuận cho mình.
Cùng lựa chọn hoa giấy để canh tác trên 1ha đất nhà, anh Nguyễn Ngọc Hiếu đầu tư nhiều hơn khi ghép nhánh, tạo hoa nhiều màu, như: Tím, đỏ, vàng, cam, trắng… trên mỗi cây. Là dân “tay ngang”, mới vừa “nhập môn” nên kỹ thuật ghép cành tạo nhiều màu hoa đối với anh Hiếu khá khó khăn.
Để mỗi nhánh ghép thành công, phải tốn từ 15-30 ngày và nắm bắt kỹ thuật để mắc ghép được dính vào thân chủ.
Anh Hiếu cho biết, các công đoạn ghép cành được thực hiện trong mát hoàn toàn, ghép xong mắc nào thì dùng bọc ny-lon bao lại. “Khoảng nửa tháng trở lên, thấy cây đâm chồi non xem như thành công một nửa. Muốn chắc ăn nhất, cần phải để thêm 1 tuần lễ rồi tháo bọc… Khi mắc ghép đã dính hoàn toàn và phát triển ổn định, có thể đem ra ngoài nắng để chăm sóc” - anh Hiếu chia sẻ.
Chỉ bằng kỹ thuật cắt nước, bỏ khô, người trồng dễ dàng kích cho cây ra hoa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trồng cây cảnh khó nhất là chỉnh sửa, tạo thế, đòi hỏi người làm vườn phải có tay nghề cao. Giai đoạn đầu, chưa có kinh nghiệm nên anh gặp nhiều khó khăn.
Phải trầy trật một thời gian, vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm, sau 1 năm mới thành công. Anh Hiếu đang chuẩn bị xuất bán gần 100 gốc hoa giấy đủ kích cỡ, màu sắc vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Tùy theo gốc lớn, nhỏ, đẹp, trung mà giá dự kiến từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/chậu.
“Để chuẩn bị cây bán Tết, khoảng tháng 7 (âm lịch), tôi phải cho cây vào chậu, chuyển vào trong mát 1 tháng, đến lúc cây lên tược non bắt đầu ghép. Hiện nay, thị trường chuộng hoa giấy ngũ sắc và cẩm thạch, nên đây là 2 loại chính trong vườn. Ngoài màu sắc, người trồng cần tạo ra nhiều dáng thế thân cao, thấp khác nhau để đáp ứng nhu cầu người chơi” - anh Hiếu thông tin.
Theo quan niệm trong giới chơi kiểng, hoa giấy được xem là loại cây đại phát lộc, rất được ưa chuộng để chưng vào dịp Tết, vì hầu như có hoa quanh năm, nhiều màu sắc và dễ chăm sóc. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện cho nông dân có thêm thu nhập từ loại cây này.
Hoa giấy là loại cây ưa nắng và chịu hạn tốt, sinh trưởng, phát triển rất nhanh, sau 6 tháng đến 1 năm chăm sóc là có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là khu du lịch, đô thị...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.