Ở An Giang đi ra đồng thấy bờ ruộng nở rộ hoa hướng dương, hỏi ra mới thấy bất ngờ

Thứ tư, ngày 12/04/2023 05:31 AM (GMT+7)
Không phải là mô hình mới, tuy nhiên áp dụng công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa”, cùng phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ ở tỉnh An Giang đã góp phần cung cấp hữu cơ cho đất, giảm sử dụng phân vô cơ tiếp tục phát huy hiệu quả.
Bình luận 0

Thông qa mô hình trồng hoa trên bờ ruộng lúa-ruộng lúa bờ hoa này, giúp nông dân An Giang giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tạo được một nền đất màu mỡ, nhiều dinh dưỡng cho vụ tiếp theo.

Cũ nhưng vẫn hay

Vụ lúa thu đông vừa thu hoạch xong cũng là năm thứ 2 anh Dương Thanh Phong (ấp Hòa Lợi 1, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) tham gia cùng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành thực hiện mô hình công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch. 

Ngoài anh Phong, ở xã Vĩnh Lợi có thêm 12 nông dân tham gia thực hiện mô hình, với diện tích trên 300ha.

Khi tham gia mô hình này, nông dân được hướng dẫn các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường, như: Công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm Tricho ĐHCT sau đó cày vùi để vi sinh hoạt động phân giải rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh, phục vụ cho mùa vụ kế tiếp năng suất và hiệu quả hơn. 

Khi trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng sẽ thu hút thiên địch, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và có liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Ngoài ra, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất cùng doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra sau thu hoạch. Trong vụ thu đông vừa qua, nông dân được mùa, lúa thu hoạch và bán ra cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg, bà con rất phấn khởi.

Đây là mô hình đã được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành triển khai thực hiện trong vụ lúa thu đông 2022 ở xã Cần Đăng và Vĩnh Lợi, thu hút nhiều nông dân tham gia canh tác. 

Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ các giống hoa, đất và giá thể phân rơm để trồng hoa, ngoài ra còn hỗ trợ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống… theo phương thức cùng nông dân đối ứng 50/50.

Ở An Giang đi ra đồng thấy bờ ruộng nở rộ hoa sao nhái, hoa hướng dương, hỏi ra mới thấy bất ngờ - Ảnh 2.

Trồng hoa sao nhái, hoa hướng dương trên bờ ruộng trên đồng ruộng tỉnh An Giang, thu hút thiên địch, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.


Anh Phong cùng những nông dân tham gia mô hình được các kỹ sư của trạm hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trị sâu rầy bằng phương pháp gieo sạ “né rầy” và trồng hoa trên bờ ruộng, nhằm thu hút thiên địch tới diệt rầy thay cho việc phun thuốc trừ sâu. 

Trồng hoa giúp dẫn dụ thiên địch, làm cân bằng môi trường sinh thái trên đồng ruộng, giảm thiểu mật độ sâu rầy gây hại, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

 “Thực hiện mô hình giúp tôi giảm tiền công, chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với kiểu canh tác truyền thống. Nhờ liên kết từ đầu vụ với công ty nên giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg, đây là số tiền lớn đối với nông dân. Vụ này, bà con tham gia mô hình ai cũng phấn khởi, chắc chắn sẽ thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới để giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận được đảm bảo hơn” - anh Phong vui mừng nói.

Dễ làm, hiệu quả cao

Thực hiện mô hình “Ruộng lúa bờ hoa”, nông dân sẽ trồng các loại hoa, như: Hướng dương, sao nhái, cánh bướm, đậu bắp, cúc mặt trời… Cây hoa giống sẽ được bầu trước khi xuống giống lúa 2 tuần. Riêng, cây đậu bắp sẽ được tỉa hạt trực tiếp xuống bờ đất nhằm giảm chi phí bầu cây.

Trong quá trình trồng hoa công nghệ sinh thái, kết hợp làm cỏ tay, giúp giảm lượng thuốc trừ cỏ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Việc kiến thiết lại đồng ruộng như vậy sẽ dẫn dụ thiên địch đến, bảo vệ ruộng lúa khỏi sự tấn công của sâu hại. Qua đó, góp phần giảm phun thuốc trừ sâu, giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân và góp phần bảo vệ môi trường.

Cùng tham gia mô hình công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa ở xã Vĩnh Lợi, cũng là vụ mùa đầu tiên ông Nguyễn Ngọc Khanh áp dụng trên ruộng lúa 7ha. 

“Đất của tôi liền kề nguyên thửa, có bờ đê rộng nên tôi trồng hoa, đến khi nở đều rất đẹp. Nhờ vậy, thu hút rất nhiều loại thiên địch có lợi, như: Nhện chân dài, nhện lưới, bọ 3 khoang, chuồn chuồn kim... giúp giảm tỷ lệ sâu rầy gây hại trên cây lúa, giảm nhiều cữ phun, xịt thuốc so với trước khi tham gia mô hình.

Được liên kết tiêu thụ với công ty nên cuối vụ bán cao hơn giá thị trường, khỏe lắm, khỏi lo chuyện bị thương lái ép giá. Mà vui nhất là mỗi khi hoa nở đều, chiều xuống là người dân ở địa phương đến chụp hình ở ruộng lúa nhiều lắm. Làm ruộng mà giá cả ổn định, chi phí sản xuất thấp, tạo được cảnh quan thiên nhiên đẹp, sạch sẽ… nông dân không vui sao được” - ông Khanh phấn khởi.

Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (tỉnh An Giang), Nguyễn Thanh Sơn cho biết, khi áp dụng mô hình công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại tổng hợp IBM, cụ thể là ruộng lúa bờ hoa rất dễ làm mà mang lại hiệu quả cao. 

Mô hình này giúp gia tăng số lượng thiên địch trên ruộng lúa, hạn chế sự xuất hiện của sâu rầy gây hại. Qua đó, góp phần bảo vệ cây lúa, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân.

“Ở mỗi mô hình được thực nghiệm tại xã Vĩnh Lợi và Cần Đăng đều được so sánh với ruộng đối chứng. Kết quả thực tế cho thấy, ruộng có trồng hoa mật độ thiên địch nhiều hơn nên sâu rầy gây hại ít hơn. Góp phần giúp nông dân giảm khoảng 50% số lần phun xịt, tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Thời gian tới, trạm sẽ đồng hành với nông dân để tiếp tục duy trì mô hình công nghệ sinh thái và nhân rộng thêm diện tích. Bên cạnh đó, chọn thêm một số giống hoa có màu sắc sặc sỡ để bổ sung vào mô hình công nghệ sinh thái ở địa phương” - Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ..

Ánh Nguyên (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem