Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu

Thứ sáu, ngày 31/05/2013 08:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu không chỉ tăng hiệu quả mà còn thân thiện với môi trường.
Bình luận 0

Được biết, Bộ NNPTNT vừa công nhận "trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu" là tiến bộ kỹ thuật, ông đánh giá gì về phương pháp này?

- Chúng tôi rất phấn khởi khi nhận được thông tin "trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu" không chỉ được Bộ NNPTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp mà còn được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải thưởng về bảo vệ môi trường.

img
Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiếu tiết kiệm công chăm sóc và thân thiện với môi trường.

Củ khoai tây có thể phát triển được trong bóng tối. Từ đặc điểm này, chúng tôi cùng bà con nông dân sáng tạo ra phương pháp không cần vùi củ giống vào đất, chỉ cần phủ rơm, rạ để khoai mọc lên và ra củ. Phương pháp này đem lại rất nhiều lợi ích: Trước đây, trồng khoai tây, thường mất rất nhiều công đoạn làm đất, bón phân…

Bây giờ, người già, trẻ nhỏ cũng có thể trồng được khoai tây. Họ chỉ cần cày, cuốc tạo các rãnh thoát nước sâu 15-20cm, sau đó đặt củ giống lên mặt ruộng rồi phủ lên một lớp rơm rạ dày khoảng 10cm là được. Phương pháp này không chỉ giảm sức lao động mà khi rơm, rạ mục đi thành chất hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, tiết kiệm chi phí phân, đạm cho vụ cấy lúa tiếp theo. Ngoài ra, việc phủ rơm rạ còn có tác dụng hạn chế bốc hơi nước của đất, hạn chế cỏ, và là môi trường thuận lợi cho nhiều loại thiên địch phát triển để diệt sâu hại.

img So với phương pháp truyền thống, phương pháp mới này có thể tiết kiệm được 70% công đoạn. Ở Thái Bình, có cụ bà trên 70 tuổi sau khi thực hành phương pháp này phấn khởi nói rằng, giờ thì bà có thể vô tư trồng được 3 sào khoai tây vì không phải làm đất. img

Ông Ngô Tiến Dũng

Nhiều người vẫn còn băn khoăn là trồng khoai chỉ cần đậy rơm, rạ, đặt củ khoai xuống dưới nền đất ruộng vừa thu hoạch lúa, gốc rạ còn lởm chởm liệu có mọc được và ra củ hay không?

- Tôi khẳng định sự phát triển của cây khoai về cơ bản là không khác nhau giữa hai phương pháp truyền thống trồng trong đất và trồng trên mặt đất. Trước đây, đất trồng khoai tây thường người dân phải lựa chọn trồng trên chân đất có pha cát, đất thịt nhẹ. Tuy nhiên, với phương pháp mới này, có thể trồng được cả trên nền đất thịt nặng.

Thậm chí, ở Thái Bình, Nam Định, sau cơn bão số 8 năm 2012, đất bị ngập úng, người dân thay vì phải đợi ruộng khô thì chỉ cần rải một lượt đất khô lên nền đất ruộng ướt là có thể đặt được củ giống xuống trồng. Qua thực tế đã được người dân áp dụng cho thấy, phương pháp này củ to hơn, nhẵn bóng, người tiêu dùng chế biến rất yêu thích.

Quá trình chăm sóc theo phương pháp mới này có đòi hỏi ký năng cao hơn so với trồng bằng phương pháp truyền thống?

- Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu sẽ nhàn hơn, vì có phủ rạ nên không phải xới xáo, không cần làm cỏ, chỉ cần bón phân như phương pháp truyền thống. Nếu so với phương pháp truyền thống, trồng khoai tây bằng phương pháp này có thể tiết kiệm được 70% công đoạn.

Bên cạnh những ưu điểm, bản thân ông - một trong những tác giả của phương pháp này - thấy có nhược điểm gì?

- Qua theo dõi thực tế, tôi thấy chỉ có nhược điểm nhỏ là, lượng rơm, rạ để trồng khoai cần một số lượng vừa đủ (phủ dày 10cm) nên trung bình phải mất 3 - 4 sào lúa mới đủ rơm rạ cho 1 sào khoai tây. Cũng do phương pháp này, củ phát triển trên mặt đất, dưới lớp rơm rạ phủ lên sau khi trồng, người dân cần phải kiểm tra để phủ rơm rạ bổ sung cho kín đất, không được để hở củ, nếu để hở, củ khoai sẽ bị xanh, gây ra độc tố, không sử dụng được.

Lúc đầu nghe nói đến phương pháp này, người dân không tin, có người còn cho rằng đó là chuyện "tiếu lâm". Để đưa nông dân tham gia vào phương pháp này, chúng tôi đã ứng dụng phương pháp IPM (được gọi là phương pháp lớp học đồng ruộng FFS), tức là cho người nông dân trực tiếp tham gia vào nghiên cứu, thí nghiệm, người nông dân cũng là cán bộ nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu được rất nhiều người nông dân xung quanh quan tâm. Sau đó, chính những "cán bộ nghiên cứu" này dễ dàng phổ biến rất nhanh cho cộng đồng.

Như ông vừa nêu là phương pháp làm đất tối thiểu được trao giải thưởng môi trường. Vậy tác dụng bảo vệ môi trường cụ thể như thế nào?

- Lợi ích bảo vệ môi trường của phương pháp này là rất lớn. Trước đây, ở các tỉnh, thành miền Bắc, vào mùa thu hoạch lúa thường xảy ra hiện tượng đốt rơm, rạ, có người còn ví là "hun khói", với phương pháp này sẽ tận dụng rơm rạ, giảm tình trạng "hun khói".

Trong quá trình đốt rơm, vô tình đã làm chết các loại thiên địch (con vật ăn sâu hại), và rất nhiều vi sinh vật có ích khác sống trong đất, có lợi cho môi trường. Trong khi đó, việc trồng khoai tây bằng che phủ rơm, rạ tạo ra môi trường sinh sống cho các loại sinh vật có lợi, diệt sâu bọ, giảm được sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phủ rơm, rạ còn giảm được thoát hơi nước, hạn chế sử dụng tài nguyên nước, cải tạo đất như đã nói ở trên…

Trân trọng cảm ơn ông!

Lợi gấp 3 lần cấy lúa

Gia đình tôi trước đây chỉ trồng 1 - 2 sào khoai tây do làm đất rất vất vả. Tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, từ khi áp dụng phương pháp trồng khoai tây bằng làm đất tối thiểu thấy tiết kiệm được nhiều công làm đất, chăm sóc và thu hoạch nên vào vụ đông, gia đình tôi đã trồng cả 4 sào khoai tây. Vụ khoai tây năm 2012, trồng bằng phương pháp làm đất tối thiểu, tính trung bình mỗi sào thu được 7 tạ, bán với giá 13.000 đồng, trung bình mỗi sào khoai tây thu về gần 10 triệu đồng, gấp 3 lần cấy lúa. Ở xã tôi trước đây, vào vụ thu hoạch, khắp các ngả đường đều khói mù mịt do đốt rơm rạ, nhưng bây giờ đã giảm được 90% tình trạng này, góp phần bảo vệ môi trường.

Bà Trần Thị Hiền (thôn 16, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, Yên Bái)

Chỉ còn đắn đo về "đầu ra"

Nhà tôi có 2 sào ruộng, bình thường không có người làm nên bỏ vụ đông. Nhưng từ khi áp dụng trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, tôi thấy giảm hẳn công làm đất, công chăm sóc và công thu hoạch nên người già, trẻ nhỏ tranh thủ làm được, rất dễ dàng… Qua 4 năm áp dụng phương pháp này, tôi thấy cây khoai tây phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm nước tưới, giảm thuốc trừ sâu, củ khoai có ưu điểm nhẵn bóng, dễ chế biến. Hiện chỉ có mỗi vấn đề đắn đo là đầu ra cho sản phẩm. Nếu giá ổn định, đạt giá trị cao hơn các cây trồng khác, tôi tin diện tích trồng khoai tây bằng phương pháp này còn tăng lên.

Ông Lê Ngọc Thạch (xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem