Trồng loại hoa “nữ hoàng” ở xã nông thôn mới, nhiều ông nông dân Sài Gòn thu tiền tỷ, nghe phát ham

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 01/09/2023 08:18 AM (GMT+7)
Hoa lan được xem là loại hoa nữ hoàng, đang giúp nhiều nông dân các huyện nông thôn mới TP.HCM làm giàu, thu tiền tỷ mỗi năm. Hoa lan phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị đang được TP.HCM khuyến khích phát triển.
Bình luận 0

Nhờ trồng hoa lan, nhiều nông dân huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn đã vươn lên làm giàu, đồng thời, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM.

Nông dân Sài Gòn làm giàu nhờ trồng hoa lan

Ông Hồ Thanh Tùng, ngụ xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh là một trong những nông dân tiên phong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa lan tại địa phương. 

Ông Tùng bắt đầu trồng lan trên diện tích 4.000 m2, 48.000 chậu. Với quy mô ban đầu là vậy, nhận thấy cây lan phát triển tốt, nhu cầu thị trường cao, ông đã nhanh chóng mở rộng gấp đôi diện tích.

Trồng loại hoa “nữ hoàng”, nhiều ông nông dân Sài Gòn thu tiền tỷ phát ham - Ảnh 1.

Nông dân Sài Gòn: Ông Hồ Thanh Tùng, ngụ xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh bên vườn hoa lan. Ảnh: Đ.Thanh

Đồng thời, ông nông dân này cũng đầu tư hệ thống phun tưới tự động, không sử dụng phân hóa học mà ưu tiên dùng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật không mùi, không độc hại bảo vệ sức khỏe.

Vườn lan mang lại cho gia đình ông Tùng cả tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Ông cho biết lợi nhuận từ cây lan ổn định ở mức 750 triệu đồng/năm. 

Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà ông Tùng còn giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên tại địa phương với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng và 12 lao động thời vụ khác. Ông đang tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng lan cho các hộ khác trong vùng để xây dựng địa phương giàu mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thảo, ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh cũng đang làm giàu với vườn lan Dendrobium với khoảng 50.000 cây. Doanh thu vài năm trở lại đây của vườn ông Thảo ổn định ở mức 1,5 tỷ đồng mỗi năm, chủ yếu là trồng lan cắt cành.

Trồng loại hoa “nữ hoàng” ở xã nông thôn mới, nhiều ông nông dân Sài Gòn thu tiền tỷ, nghe phát ham - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thảo, ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh bên vườn lan Dendrobium cho thu nhập ổn định 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Đ.Thanh

Theo ông Thảo, chuyển đổi mô hình từ cây trồng năm suất thấp sang cây lan từ năm 2004, vì vậy, đến nay kinh nghiệm đã khoảng 20 năm. Điều này giúp ông thuận lợi trong việc chăm sóc lan cho chất lượng tốt, tiết giảm chi phí, nhất là khó khăn trong giai đoạn Covid-19.

Hiện ông Thảo đang nghiên cứu trồng lan hồ điệp theo hướng trồng cây nguyên liệu để cung cấp cho các đơn vị khác. Đây có thể xem là bước ngoặt giúp ông tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình nông nghiệp đô thị ở huyện nông thôn mới Bình Chánh.

Để hoa lan phát huy vai trò cây trọng điểm

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, diện tích trồng hoa lan tại TP.HCM đạt 335 ha, chiếm 16% tổng diện tích hoa - cây trồng trên toàn địa bàn thành phố. 

Sản lượng hoa lan cung cấp của TP.HCM hiện nay khoảng 147 triệu cây, trong đó lan Mokara 63,5 triệu cành (chiếm 43,2%), Dendrobium 38,4 triệu cành (chiếm 26,1%). Hoa lan có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển của ngành nông nghiệp hiện đại, đồng thời đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người đô thị.

Trồng loại hoa “nữ hoàng” ở xã nông thôn mới, nhiều ông nông dân Sài Gòn thu tiền tỷ, nghe phát ham - Ảnh 4.

Hoa lan có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển của ngành nông nghiệp hiện đại, đồng thời đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người đô thị. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hoa lan thuộc nhóm hoa - cây kiểng, đây là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP hiện nay.

Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới các huyện ngoại thành TP.HCM, tăng thu nhập cho người dân, ngành nông nghiệp TP tập trung định hướng tái cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố, trong đó có nhóm hoa - cây kiểng.

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết theo định hướng này, TP.HCM có Quyết định số 04/2016, Nghị quyết số 10/2017 và Quyết định số 655/2018 quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, hay còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để sản xuất cá cảnh, sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ một phần lãi vay.

Tuy nhiên, theo bà Mai, các chính sách hiện hết hiệu lực, Sở NNPTNT TP.HCM đang tiếp tục tham mưu UBND TP trình HĐND TP tiếp tục triển khai chính sách này giai đoạn đến năm 2030.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem