Từ tháng 10.2010, nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty TNHH một thành viên Lương thực Vĩnh Bình (trụ sở tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, thuộc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, gọi tắt AGPPS) đã đi vào hoạt động, phát động mô hình liên kết với nông dân.
Nhiều nông dân lâu nay quen bán lúa cho bạn hàng xáo (thương lái mua gom lúa gạo), nay thấy nhà máy xuất hiện, họ bán tin bán nghi: “Coi chừng mấy ông nhà máy lừa nông dân! Làm gì có chuyện doanh nghiệp cam đoan quyền lợi giữa họ và nông dân sẽ được thoả thuận trước? Lâu nay mấy “ông nhà nước” hứa cho mà không thực hiện được, làm sao dám tin doanh nghiệp…”.
|
Kỹ sư của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cùng nông dân đi thăm đồng lúa. |
Nông dân lo lắng cũng có cái lý của họ, bởi cả chục năm qua, thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản theo Quyết định 80 (ban hành năm 2002) của Thủ tướng Chính phủ, họ vẫn nắm đằng lưỡi, bởi hợp đồng dễ dàng “gẫy” theo giá lúa.
Nghĩ vậy, nhưng họ vẫn lấy hợp đồng về “nghiên cứu” kỹ, sau đó mới dám đặt bút ký. Sau mấy mùa vụ, nông dân thấy hiệu quả thật sự, họ bắt đầu xin vô “liên kết” ào ào. Ông Lê Minh Phương – Phó Giám đốc ngành lương thực (AGPPS) cho biết: “Vụ đông xuân đầu tiên (2010), vận động trầy trật chỉ thu hút được một số nông dân tham gia với diện tích 1.073ha. Sang vụ hè thu, diện tích tăng lên 1.600ha, vụ thu đông năm nay tăng vọt lên 9.300ha. Dự kiến, vụ đông xuân sắp tới, diện tích lúa làm theo hợp đồng sẽ lên đến 16.000ha” (vùng nguyên liệu cho 4 nhà máy).
Nhiều nông dân rất khoái “ký hợp đồng” với AGPPS, bởi hợp đồng giao kèo rất cụ thể: Lúa giống, phân bón, thuốc… được công ty cung cấp đến khi thu hoạch mà không tính lãi. Nhưng hạt lúa khi thu hoạch phải theo chuẩn của công ty về độ thuần, độ ẩm, độ xanh non, rạn gãy, tạp chất… Để lúa không xanh non, ít rạn gãy, các kỹ sư của công ty sẽ bàn bạc với nông dân về ngày thu hoạch lúa. Đặc biệt, các kỹ sư sẽ lo cho nông dân mượn bao đựng lúa, đưa ghe chở lúa về kho sấy.
Tại vùng nguyên liệu, công ty xây hẳn lò sấy lúa công suất 1.000 tấn/ngày. “Nếu nông dân thấy giá lúa thị trường thấp, không bán thì công ty cho gửi kho miễn phí trong vòng 30 ngày để chờ giá. Nếu tiếp tục gửi lúa từ tháng thứ hai thì nông dân chịu tiền lưu kho 5.000 đồng/tấn/ngày.
Vùng nguyên liệu hoàn toàn sử dụng lúa chất lượng cao theo định hướng của công ty nên hạt lúa đồng đều, giá gạo xuất khẩu cao hơn 20-30USD mỗi tấn so với những nơi vùng nguyên liệu không chuẩn. Hiện công ty có 3 nhà máy ở 3 huyện Châu Thành, Thoại Sơn (An Giang) và Tân Hồng (Đồng Tháp). Công ty chuẩn bị mở rộng mô hình sang Long An, Hậu Giang, Bạc Liêu.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.