Trồng lúa tốt, vừa được thưởng vừa nhàn, ai chẳng ham

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 09/05/2018 06:45 AM (GMT+7)
Tham gia dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính – AgResults”, nông dân Thái Bình không chỉ được tiếp cận với phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, tốn ít chi phí mà nếu làm tốt còn có cơ hội được… thưởng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết, dự án được khởi động từ tháng 7.2017 tại 11 xã thuộc 5 huyện. Đã có 11 đơn vị tham gia dự thi với 11 gói công nghệ khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính, giảm các loại hóa chất, phân bón nhưng lại tăng năng suất, thu nhập cho nông dân.

“Các công nghệ được áp dụng rất phong phú như: cấy mạ non, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, sử dụng máy cấy, bón phân chậm tan trong 3 ngày, cấy hàng rộng hàng hẹp, rút nước nông lộ phơi”, ông Liên cho biết.

img

Cấy lúa hàng rộng hàng hẹp là một trong những công nghệ được áp dụng tại dự án. Ảnh: IT.

Sau khi được lựa chọn, 11 đơn vị tham gia tranh giải đã tiến hành thử nghiệm vụ đầu tiên trên đồng đất Thái Bình. Trong đó, ban tổ chức chọn được 9 đơn vị đã thành công trong việc tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính và đã nhận được giải thưởng dựa trên tỷ lệ tương ứng với kết quả của họ trong tổng số tiền trao thưởng là 55.000 USD cho vụ thử nghiệm đầu tiên. Kết quả cho thấy, 9 gói công nghệ có tỷ lệ tăng năng suất trung bình là 26% và tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính trung bình là 12,5% so với dữ liệu cơ sở ban đầu.

Ba đơn vị đoạt giải cao nhất Giai đoạn I của dự án là: Cty CP Giống cây trồng Viện cây lương thực và Cây thực phẩm; Cty CP Rynan Technologies Vietnam và Cty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc.

Ông Liên cho biết, công nghệ đạt giải nhất được thực hiện trên đồng đất xã Thanh Nê (huyện Kiến Xương). Tham gia dự án, nông dân giảm được chi phí sản xuất nhờ giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu nhưng năng suất, chất lượng lúa vẫn đảm bảo. Điều đặc biệt là, lúa trong mô hình đều được doanh nghiệp bao tiêu.

img

Nông dân Thái Bình triển khai cấy theo phương pháp hàng rộng hàng hẹp. Ảnh: IT.

Được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2016 – 2021, dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính - AgResults” (AVERP) xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) là cơ quan quản lý dự án AVERP giai đoạn 2016-2021.

 Dự án sử dụng “cơ chế kéo” – một cơ chế thưởng bằng tiền dựa trên kết quả - để hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vượt qua các rào cản thị trường và đạt mục tiêu giảm phát thải KNK.

Hiện, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là trụ cột sinh kế cho hơn 70% dân số nông thôn ở Việt Nam. Theo Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, nông nghiệp chiếm tới 33% tổng lượng phát thải KNK, trong đó sản xuất lúa gạo chiếm xấp xỉ 50%.  

Phát thải khí nhà kính do con người gây ra là do các hoạt động của con người gây ra và bao gồm cả khí thải CO2. CH4 và N2O chiếm gần 30% lượng phát thải khí nhà kính tương đương CO2 từ nông nghiệp. Những phát thải này là các sản phẩm phụ phổ biến của canh tác lúa hiện đại và có đóng góp nhiều hơn trên mỗi đơn vị cho sự nóng lên toàn cầu so với khí thải CO2. Thống kê cho thấy, CH4 vượt qua CO2 trong tác động của nó lên sự nóng lên toàn cầu 25 lần và N20 vượt 300 lần. 

Để giải quyết thách thức này, AgResults đã thiết kế dự án AVERP nhằm xác định phương pháp tiếp cận mới giúp giảm phát thải KNK, tăng năng suất lúa và nhân rộng các phương pháp hiệu quả nhất cho hàng ngàn nông hộ.  Do phần lớn lượng KNK phát thải ở giai đoạn chuẩn bị đất và trồng lúa, dự án tập trung chủ yếu vào các giải pháp giảm phát thải hiệu quả trong hai giai đoạn này.

Dự án được chia ra làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 gồm hai vụ thử nghiệm được dự kiến bắt đầu vào vụ mùa năm 2017, kéo dài đến vụ xuân 2018. Các đơn vị tham gia tranh giải được lựa chọn (tối đa 15 đơn vị) sẽ thử nghiệm các giải pháp công nghệ họ đề xuất trong suốt hai vụ này. Kết quả về sản lượng và phát thải KNK sẽ được kiểm định bởi Công ty Geo-Solutions và đồng giám sát bởi cơ quan quản lý (SNV) và Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình.

img

Sử dụng máy cấy để nâng cao hiệu quả sản xuất trong dự án. Ảnh: IT.

AgResults đã nhận được 24 ứng dụng từ khu vực tư nhân, khu vực công, hợp tác xã và các tổ chức khác và lựa chọn được 11 công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 75.000 nông hộ khu vực đồng bằng sông Hồng; giảm tới 375.000 tấn CO2 tương đương; giảm khoảng 15% chi phí cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào.

Giai đoạn 1, các bên tranh giải thử nghiệm công nghệ trên ruộng thực nghiệm. Các công nghệ được kiểm chứng hiệu quả giảm phát thải (60% tổng số điểm) và tăng năng suất (40% tống số điểm) so với số liệu tham chiếu. Giai đoạn 2, các giải pháp công nghệ được thử nghiệm thành công sẽ được nhân rộng.

Giải chung kết: 3 đơn vị tham gia tranh giải đạt điểm cao nhất về số nông hộ tham gia (40% tổng số điểm), sử dụng lặp lại công nghệ (20% tổng số điểm), tống lượng khí thải cắt giảm (20% tổng số điểm), tỷ lệ tăng năng suất trung bình (20% tổng số điểm) sẽ được trao giải thưởng với trị giá giải nhất lên đến 35.000 - 75.000 USD. Theo SNV, tổng giá trị giải thưởng lên đến 2,9 – 3,3 triệu USD.

Ông Liên đánh giá, ngoài giá trị giải thưởng, dự án còn góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trình độ canh tác lúa cho bà con nông dân theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi liên kết giữa các nhân tố tham gia như nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem