Trồng mai vàng kiểu “mì ăn liền” ở Long An, Sài Gòn, cả làng mong, thương lái vẫn biệt tăm

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 23/12/2022 05:21 AM (GMT+7)
Vài năm qua, nông dân các tỉnh phía Nam ồ ạt chuyển sang trồng mai vàng bán tàng. Chỉ tính riêng 2 làng mai vàng Bình Lợi (TP.HCM) và Tân Tây (Long An) đã có hơn 1.000ha mai. Còn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2023, nhưng các làng mai này vắng bóng thương lái.
Bình luận 0

Anh Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Mai vàng Bình Lợi thổ lộ, chưa mùa Tết năm nào làng trồng mai vàng Bình Lợi lại ế ẩm như năm nay.

Trồng mai vàng kiểu “mì ăn liền”, những làng mai Tết đẹp như mơ, nhưng biệt tăm thương lái - Ảnh 1.

Còn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2023, làng trồng mai vàng Bình Lợi thưa thớt thương lái mua mai. Ảnh: Trần Đáng

Chủ vườn trồng mai vàng dài cổ chờ thương lái

Vào những năm trước, thời điểm này về làng mai vàng Bình Lợi đã thấy lái mai cà-rem (lái mua mai nhỏ lẻ bán rông) tất tả len lỏi vào những vườn mai mua mai giá rẻ. Nhưng năm nay, hình ảnh sôi động mua bán mai này đã biến mất. Lái mai cà-rem mất dạng trên đường làng.

Anh Thiện cho biết, sau dịch Covid-19, gần như lái mai cà-rem đều thua lỗ vào mỗi dịp Tết nên Tết năm nay họ không tham gia mua bán mai nữa.

Không chỉ lái mai cà-rem biến mất, những lái mai mua sỉ cũng rất thưa thớt tại các làng trồng mai vàng. Theo anh Thiện, tính đến thời điểm này,  anh chỉ mới bán được 500 triệu đồng tiền mai, trong khi năm ngoái là 2 tỷ đồng.

"Tôi chỉ bán mai được cho một số lái mối. Còn lái mới, tôi chưa bán được cho ai cả", anh Thiện cho biết.

Anh Bùi Ngọc Đức, chủ vườn mai ở làng mai Bình Lợi cũng chia sẽ, tính đến thời điểm này anh mới chỉ bán được 2.000 gốc mai, bằng một nửa so với năm ngoái. Không chỉ số lượng mai bán ra thấp, giá mai vàng năm nay thương lái mua tại vườn cũng thấp hơn 20% so với năm ngoái.

Tại làng mai Tân Tây, tình cảnh các nhà vườn trồng mai cũng không sáng sủa hơn ở làng mai Bình Lợi. Nhiều chủ vườn mai ở láng mai Tân Tây cho biết, thương lái đang biệt dạng, dù rằng chủ vườn réo gọi mời mọc mua mai.

Trồng mai vàng kiểu “mì ăn liền”, những làng mai Tết đẹp như mơ, nhưng biệt tăm thương lái - Ảnh 2.

Thu hoạch mai tàng tại làng trồng mai vàng Bình Lợi. Ảnh: Trần Đáng

Anh Nguyễn Hữu Phước - chủ vườn mai vàng ở làng mai Tân Tây thừa nhận, năm nay thương lái về mua mai bán dịp Tết rất ít. Nóng lòng, anh đã gọi thúc giục thương lái về mua mai. "Họ chỉ ậm ừ, hứa hẹn", anh Phước cho biết.

Trồng mai vàng bán tàng hết thời

Lâu nay, nông dân ở làng mai vàng Bình Lợi và làng mai Tân Tây chủ yếu trồng mai vàng để bán tàng và bán phôi mai. Tại các làng mai này, cây mai vàng giống được trồng thẳng xuống mặt ruộng bạt ngàn như… trồng tràm. 

Mỗi ha đất trung bình trồng 7.000 - 10.000 cây mai giống. Theo tính toán, mỗi ha mai vàng, sau 3 - 5 năm trồng, có thể lời 500 triệu – 1 tỷ đồng.

Thế nhưng, những năm gần đây số lượng và giá bán mai vàng tại các làng mai ngày càng giảm dần. Nếu như trước đây, trung bình mỗi mùa Tết, làng mai vàng Bình Lợi bán ra hơn 20.000 gốc mai, thì năm nay số lượng mai bán ra được dự báo giảm sút nghiêm trọng.

Ngoài việc, kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, nhu cầu người chơi mai vàng giảm sút, anh Thiện nhận định, do cung đã vượt cầu.

"Khắp nơi nông dân trồng mai vàng thì bán đâu cho hết", anh Thiện chia sẻ.

Trồng mai vàng kiểu “mì ăn liền”, những làng mai Tết đẹp như mơ, nhưng biệt tăm thương lái - Ảnh 4.

Trồng mai vàng bán tàng bạt ngàn ở làng mai vàng Bình Lợi. Ảnh: Trần Đáng

Nguyên chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tây Trương Minh Hè cho biết, khả năng diện tích trồng mai ở xã sẽ còn tăng lên nhiều.

"Chính quyền không thể can thiệp vào việc trồng mai vàng của bà con nông dân", ông Hè thổ lộ.

Anh Trần Văn Sơn, một nông dân trồng 4ha mai vàng ở xã Bình Lợi cho biết, thực tế những năm gần đây giá mai "giậm chân tại chổ". Trong khi, giá nguyên liệu đầu vào, như: phân, thuốc… mỗi năm tăng 20-25%.

"Cây mai không bán được để càng lâu càng có giá. Điều này khiến nông dân có cảm giác giá mai tăng đều khi bán cây. Thực tế, mỗi năm nông dân phải đầu tư khá nhiều tiền phân, thuốc, công cán… cho cây. Chi phí này chiếm 30 - 40% giá trị cây mai", anh Sơn cho biết.

Thời gian gần đây, để tăng giá trị cây mai vàng, ngành nông nghiệp TP.HCM đã có nhiều cố gắng hỗ trợ nông dân, nhất là về kỹ thuật trồng mai bonsai, tạo dáng nhưng vẫn không cải thiện đáng kể tình trạng nông dân trồng mai vàng bán tàng.

"Bà con nông dân vẫn thích "mì ăn liền" với kỹ thuật trồng mai vàng bán tàng bởi làm mai bonsai rất mất thời gian, công sức. Chỉ khi nào nông dân thấy trồng mai vàng bán tàng thua lỗ thì mới chuyển sang trồng mai cách khác", anh Đức thổ lộ.

Trồng mai vàng kiểu “mì ăn liền”, những làng mai Tết đẹp như mơ, nhưng biệt tăm thương lái - Ảnh 5.

Trong tình hình ngày càng ế ẩm mai tàng, nông dân các làng trồng mai vàng nên chuyển dần sang trồng mai bonsai, mai chậu. Ảnh: Trần Đáng

Theo anh Phạm Văn Cường (TP.HCM), một thương lái kinh doanh mai vàng, cây mai tàng ngày càng ít người chơi. Bản thân anh không kinh doanh mai tàng.

"Tôi chỉ thu mua mai bonsai, tạo dáng. Kinh doanh loại mai này có lời hơn mai tàng rất nhiều. Thực tế, người dân đang có xu hướng chơi mai tạo dáng độc lạ, bonsai ngày càng nhiều trong những dịp lễ, Tết", anh Cường thổ lộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem