Trồng những loại quả sạch này, nông dân xứ than thu hàng chục tỷ

Đức Thịnh Thứ hai, ngày 24/07/2017 06:05 AM (GMT+7)
Nhờ được quy hoạch vùng và đào tạo nghề bài bản, nhiều hộ trồng cây ăn quả ở xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

img

 Vụ cam năm 2016, gia đình ông Nguyễn Văn Dương thu về hơn trăm triệu đồng. Ảnh: Đức Thịnh

Mô hình hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Dương (ở thôn Cửa Phúc) là một trong những hộ tiên phong  trồng cam Canh ở xã Việt Dân. Ông Dương chia sẻ: “Giống cam này không dễ tính, đòi hỏi nhiều công chăm sóc, nhưng cho thu nhập cao. Tôi trồng khoảng 1,4 mẫu với hơn 1.000 gốc cam, hiện tại, vườn cam đã cho thu hoạch 5 năm”.

"Trên cơ sở thế mạnh về các vùng nông sản hàng hoá tập trung hiện có, xã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho nông dân. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại nông sản, gắn liên kết “4 nhà” tạo thành chuỗi nông sản”. 

Ông Đỗ Đình Thế

Cũng theo ông Dương, nhờ xây dựng nông thôn mới, kênh mương, đường nội đồng được đầu tư bài bản, rất thuận lợi cho các hộ trồng cam. “Với 1,4 mẫu trồng cam Canh, vụ cam năm 2016 tôi xuất bán hơn 3 tấn cam với giá 45.000 đồng/kg, thu về hơn trăm triệu đồng” - ông Dương phấn khởi khoe.

Không chỉ cam Canh, các nông sản chủ lực khác của Việt Dân như bưởi Diễn, phật thủ, na dai… đều cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt là na dai. Từ một vài hộ trồng na, đến nay xã Việt Dân có hơn 220ha na. Uớc tính bình quân mỗi năm, sản lượng na của xã đạt từ 13-15 tấn/ha, cho doanh thu ước đạt trên 40 tỷ đồng, chiếm gần 50% nguồn thu về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Việt Dân.

Đáng chú ý, không chỉ trồng na theo quy trình VietGAP, bà con Việt Dân còn biết áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng quả và kéo dài thời gian thu hoạch na. 

img

Người dân Đông Triều đẩy mạnh trồng na VietGAP, cho thu nhập cao. Ảnh: VietQ

Nâng cao giá trị nông sản

Ông Đỗ Đình Thế - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Dân cho biết: Việt Dân là xã miền núi nên cuộc sống khó khăn. Những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện đời sống cho người dân, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Cụ thể, đối với vùng thấp thì đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa ngắn ngày, chất lượng vào gieo cấy; đối với vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả thì chuyển sang đào ao nuôi trồng thuỷ hải sản; còn vùng đồi núi thấp thì trồng cây ăn quả. Nhằm thúc đẩy phong trào trồng cây ăn quả, đồng thời tạo sân chơi cho người dân có dịp chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, xã đã thành lập Câu lạc bộ trồng cây ăn quả với 35 hội viên tham gia.

Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp tổ chức các lớp học nghề trồng cây cam Canh, bưởi Diễn và mở các lớp tập huấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. “Nhờ được tập huấn kỹ thuật cộng với kinh nghiệm từ nhiều năm, cam Canh và bưởi Diễn phát triển khá nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Riêng thu nhập từ cam Canh và bưởi Diễn đạt khoảng 550 triệu đồng/ha/năm” - ông Thế thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem