Trồng rau hữu cơ ở Hà Nội: Cần thêm hỗ trợ hạ tầng và liên kết sản xuất

Hoài Vũ Thứ sáu, ngày 30/04/2021 16:22 PM (GMT+7)
Thời gian qua, sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả rõ nét, ngoài xây dựng cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường, nông dân sản xuất rau hữu cơ còn được gia tăng thu nhập.
Bình luận 0

Nhiều mô hình thành công

Xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) được coi là vựa rau xanh hữu cơ nổi tiếng của TP.Hà Nội. Tại đây, từ khâu trồng rau đến khâu thu hoạch đều tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc "5 không" tạo ra những luống rau an toàn, bảo đảm chất lượng, cung cấp cho thị trường hơn 400 tấn/năm, đem lại giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/ha. 

Giá rau hữu cơ ở Thanh Xuân luôn ổn định, dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, gấp khoảng 2 - 3,5 lần so với các loại rau khác, được người tiêu dùng đón nhận.

Bà Nguyễn Thị Thu (thôn Bái Thượng) cho biết, nhờ tham gia nhóm sản xuất rau hữu cơ, kinh tế gia đình bà được cải thiện, thu nhập ổn định 70 triệu đồng/năm.

gop/ Sản xuất rau hữu cơ ở Hà Nội: Cần thêm hỗ trợ hạ tầng và liên kết sản xuất - Ảnh 1.

Thu hoạch rau ở HTX rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh

Các địa phương cũng như ngành nông nghiệp Thủ đô đang tích cực mở rộng diện tích rau hữu cơ và xác định năm 2021 là năm bản lề xây dựng các vùng chuyên canh với kỳ vọng 2-3 năm tới, rau hữu cơ chiếm 5-10% diện tích sản xuất rau của Hà Nội.

Đến nay, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng thu mua rau hữu cơ Thanh Xuân, như: Công ty cổ phần Đầu tư Tâm Đạt, Công ty TNHH Vinagap (Bác Tôm), Công ty cổ phần Obis - Nông sản ngon. Sản phẩm rau hữu cơ đã có mặt trên hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nội.

Tương tự, tại huyện Thạch Thất, thương hiệu rau hữu cơ Đại Ngàn của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình) ngoài cung cấp cho hàng nghìn khách hàng thân thiết đặt hàng định kỳ theo ngày, còn đưa vào hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, để mở rộng vùng rau hữu cơ, huyện đã mở rộng quy hoạch phát triển diện tích sản xuất rau hữu cơ tới 14 xã với 24 vùng sản xuất rau tập trung (trên 20ha canh tác/vùng), tổng diện tích 855ha. Trong đó, trước mắt tập trung sản xuất diện tích từ 70 - 100ha rau hữu cơ tại các xã: Thanh Xuân, Đông Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh

Còn ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, trong hai năm (2019 và 2020), toàn huyện đã xây dựng được hơn 100ha rau màu theo hướng hữu cơ. Không những thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, các cơ sở sản xuất rau hữu cơ còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Hướng đến mục tiêu bền vững

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, việc sản xuất rau hữu cơ nói riêng, các cây trồng theo hướng hữu cơ nói chung đang được các địa phương vào cuộc quyết liệt, các huyện, thị xã đều xây dựng ít nhất 1-2 mô hình mỗi năm làm cơ sở nhân rộng. Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương còn một số khó khăn cần sớm tháo gỡ.

Theo ông Hoàng Chí Lượng, thực tiễn phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay vẫn nằm ở chỗ hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng các vùng chuyên canh. Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết giúp người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết giá trị.

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì - bà Nguyễn Thị Tuyết Anh cho rằng, thành phố cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các mô hình trong thời gian không chỉ 2-3 năm mà cần lâu hơn để nông dân thuần thục canh tác hữu cơ, thương hiệu sản phẩm được khẳng định, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận…

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội khẳng định, để phát huy hiệu quả sản xuất rau hữu cơ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh sản xuất, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy nhanh các dự án xây dựng hạ tầng vùng sản xuất rau tập trung và hỗ trợ tổ chức sản xuất, liên kết giữa các nhà phân phối với người sản xuất rau hữu cơ, tạo đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, đặc biệt là đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau. 

Cùng với đó, phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất rau hữu cơ tại các địa phương, công bố kết quả rộng rãi, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm rau hữu cơ; đồng thời khích lệ xây dựng môi trường sinh thái, xây dựng cuộc sống xanh từ rau hữu cơ... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem