Hà Nội: Nuôi gà đặc sản thả đồi, chân không chì, thịt, xương đen sì, chỉ việc nuôi không lo bán

B.Minh Thứ sáu, ngày 16/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ông Lê Đình Bình là người đầu tiên đưa giống gà Mông (còn gọi là gà đen) về nuôi tại thôn Đồi Rậm, xã Đông Yên, Quốc Oai (Hà Nội). Gà Mông với ưu điểm sức đề kháng tốt, thịt săn chắc, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình ở xã Đông Yên đã khá giả từ khi chuyển sang nuôi giống gà quý này.
Bình luận 0

Ông Lê Đình Bình là người đầu tiên đưa gà Mông (còn gọi là gà đen) về nuôi tại thôn Đồi Rậm, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Gà Mông với ưu điểm nổi trội như thịt săn chắc, thơm và sức đề kháng tốt, đặc biệt mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình ở xã Đông Yên đã vươn lên làm giàu từ khi chuyển sang nuôi giống gà quý này.

Ông Lê Đình Bình cho biết, nhận thấy gà Mông là giống gà đặc sản cho giá trị kinh tế cao của đồng bào dân tộc, năm 2006, ông quyết định đầu tư nuôi thử 300 con.

"Chỉ trong thời gian ngắn, gà Mông sinh trưởng và phát triển tốt. Gà Mông có ưu điểm nổi trội như thịt chắc, thơm, có sức đề kháng tốt và có vị ngọt đặc trưng. Đặc biệt, giá trị kinh tế cao hơn so với nuôi các giống gà khác" - ông Bình chia sẻ.

Hà Nội: Nuôi giống gà đặc sản thả rông trên đồi, chân không chì, thịt, xương đen sì, dân ở đây khấm khá  - Ảnh 1.

Ông Lê Đình Bình là người đầu tiên đưa giống gà Mông (còn gọi là gà đen) về nuôi tại thôn Đồi Rậm, xã Đông Yên, Quốc Oai (Hà Nội).

Hiện nay, gia đình ông Bình đang nuôi 3.000 gà Mông, 1.700 con gà Mía lai Ri và 1.200 gà đẻ trứng.

Theo ông Bình, giá bán buôn của gà Mông xuất bán tại vườn có giá 110.000 đồng/kg. Nếu vận chuyển trực tiếp ra thành phố để bán thì giá còn có thể cao hơn. 

"Nuôi gà Mông rủi ro ít, giá ổn định. Thu nhập bình quân của vợ chồng tôi là 15 triệu đồng/tháng" - ông Bình nói. 

Trò chuyện với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Bình nhớ lại, cách đây khoảng 10 năm, cuộc sống của người dân ở thôn Đồi Rậm còn nhiều khó khăn. Bà con trong thôn chủ yếu trồng cây ăn quả nên hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập chẳng được là bao.

Cũng trong thời gian này, ông Bình làm Chủ tịch UBND xã Đông Yên, ông luôn trăn trở "làm gì? để tận dụng tối đa từ lợi thế đất đồi rộng lớn ở địa phương, mang lại thu nhập cao cho người dân Đông Yên". 

Ông Bình cho hay, để liên kết, xây dựng chuỗi sản xuất thương hiệu gà đồi Đông Yên, năm 2016, ông và một số người bạn đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Yên Hòa Phú. HTX do chính ông làm giám đốc.

Hà Nội: Nuôi giống gà đặc sản thả rông trên đồi, chân không chì, thịt, xương đen sì, dân ở đây khấm khá  - Ảnh 3.

Gà Mông với ưu điểm sức đề kháng tốt, thịt săn chắc, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình ở xã Đông Yên đã khá giả từ khi chuyển sang nuôi giống gà quý này.

Ban đầu, có 5 hộ tham gia nuôi nhưng đến nay HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú đã có 67 thành viên, chia thành hai chuỗi bao gồm: chuỗi nuôi gà thương phẩm và chuỗi nuôi gà đẻ trứng với quy mô hơn 30.000 con gà Mông, 20.000 con gà Mía lai Ri, 50.000 con gà đẻ trứng.

Năm 2019, HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú được TP. Hà Nội lựa chọn là tham gia Dự án Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội.

Hiện, chuỗi sản xuất và cung cấp gà thương phẩm và trứng gà đồi Đông Yên đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Bình cho biết, nhờ các hoạt động liên kết chuỗi, định hình tiêu chuẩn sản phẩm, mỗi tháng HTX  Chăn nuôi Yên Hòa Phú tiêu thụ ra thị trường 05 tấn gà đen Mông và 3 tấn gà Mía lai Ri mang nhãn hiệu "Gà đồi Đông Yên". 

"Khi tham HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú thì các hộ đều có một hợp đồng chăn nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật từ đầu vào nhập con giống cho đến khi xuất bán" - ông Bình cho biết. 

Hà Nội: Nuôi gà H'Mong - Ảnh 3.

Hiện nay HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú đã có 67 thành viên, quy mô hơn 30.000 con gà Mông, 20.000 con gà Mía lai Ri, 50.000 con gà đẻ trứng.

Nhận thấy nuôi gà Mông mang lại giá trị kinh tế cao, từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Bùi Minh Xấu, xã Đồng Yên (huyện Quốc Oai) đã phát triển đàn gà từ 500 lên đến hơn 1.000 con gà thương phẩm.

"Gà Mông nuôi trên 4 tháng là có thể xuất bán, gà mái đạt trọng lượng 1,7 - 1,9kg/con, gà trống đạt 2 - 2,5kg/con. Mỗi lứa gà gia đình tôi thu về 30 - 40 triệu đồng" - ông Xấu chia sẻ.

Ông Trần Anh Đảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Yên cho biết, từ năm 2010 đến nay, xã luôn xác định giống gà Mông là một trong những mũi nhọn phát triển chăn nuôi tại xã Đông Yên. Hiện, xã cũng đã đăng ký với huyện xây dựng sản phẩm gà đồi Đông Yên trở thành sản phẩm OCOP, trong đó có giống gà H'Mông.

"Mỗi năm các hộ chăn nuôi gà Mông ở xã Đông Yên xuất ra thị trường khoảng 6 vạn gà thương phẩm, thu nhập bình quân của mỗi hộ chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng/năm" - ông Đảng thông tin.

Hà Nội: Nuôi giống gà đặc sản thả rông trên đồi, chân không chì, thịt, xương đen sì, dân ở đây khấm khá  - Ảnh 6.

Mỗi năm các hộ chăn nuôi gà Mông ở xã Đông Yên xuất ra thị trường khoảng 6 vạn gà thương phẩm, thu nhập bình quân của mỗi hộ chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Bình cho biết, để đáp ứng các điều kiện chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cho sản phẩm gà đồi Đông Yên, HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú sẽ áp dụng quy trình chăn nuôi 5S, đó là: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem