Trồng rau trên ruộng muối

Thứ sáu, ngày 27/08/2010 10:16 AM (GMT+7)
(Dân VIệt) - Ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Nguyễn Văn Hóa (ấp Hải Sơn), được nhiều Nông dân biết đến với sáng kiến cải tạo đất nhiễm mặn, đất làm muối để trồng mướp, dưa leo, khổ qua, bí…
Bình luận 0
img
Giàn mướp trĩu quả của anh Hoá.

Năm 2000, anh Hóa từ Nam Định vào Phước Hưng lập nghiệp. Không có đất sản xuất, anh phải mượn 1,8ha đất của một người bạn ở xã Phước Hưng để trồng hoa màu. Vùng đất này trước kia vốn là ruộng muối nên trồng cây gì cũng bị đỏ lá và dần chết rụi.

Là ND, anh hiểu mỗi tấc đất là một tấc vàng nên không cam lòng nhìn ruộng bỏ hoang. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tìm đọc sách báo và kinh nghiệm của bạn bè, anh biết có một số vùng đất nhiễm mặn người dân vẫn trồng được khóm, khổ qua…

Năm 2004, anh bắt tay cải tạo đất và chọn mướp để trồng thử nghiệm. Anh làm sạch cỏ, đào thành rãnh lên liếp cao 30- 50cm; cải tạo cho đất tơi xốp, bón vôi, phân… Theo anh Hoá, lên liếp cao là để rửa mặn và chống ngập úng.

Rồi anh bắc giàn bằng các cột bê tông, còn giàn leo anh cho đan những thanh tre sao cho thật kín, để khi mướp leo sẽ che kín không để ánh nắng mặt trời lọt vào, tránh nước mặn bốc hơi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Sau 5 tháng, vườn mướp của anh thu hoạch lứa đầu tiên. Tiếp đó, anh trồng thêm khổ qua và dưa leo. Nhờ chăm sóc tốt, mướp, khổ qua, dưa leo của anh trĩu quả.

Không dừng lại ở đó, từ ống nhựa bỏ đi anh lắp ráp theo đúng kích cỡ từng luống hoa màu để hình thành hệ thống tưới nước tự động, nhằm tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian. Theo anh Hóa, đặc điểm của mướp, khổ qua, dưa leo là trồng được quanh năm, ít sâu bệnh, tàn lứa này trồng tiếp lứa khác không cần phải chờ thời vụ.

Cây trồng chỉ sau 45 ngày bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch khoảng 2 tháng. Thương lái trong, ngoài tỉnh vào tận vườn của anh thu mua sản phẩm. Theo tính toán của anh Hóa, mỗi ngày anh thu hơn 3 tạ sản phẩm, bán bình quân khoảng 3.500 đồng/kg.

Theo Hội ND xã Phước Hưng, mô hình trồng rau màu trên vùng đất nhiễm mặn của anh Hóa đã mở ra hướng sản xuất mới cho ND nơi đây. Hiện nay, ở Phước Hưng và nhiều địa phương ở Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn còn nhiều diện tích đất hoang hóa cần được khuyến khích, cải tạo đưa vào sản xuất nhằm để tăng thu nhập cho ND.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem