Trồng rừng ngập mặn giữ làng

Trương Hồng Thứ bảy, ngày 24/10/2015 12:51 PM (GMT+7)
Dự án phục hồi rừng ngập mặn ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được triển khai hơn năm nay, không chỉ có tác dụng giữ rừng mà còn giúp người dân phát triển kinh tế và chống lại gió bão một cách hiệu quả…
Bình luận 0

Con tôm làm mất gần 100ha rừng…

Vào những ngày giữa tháng 10.2015 này, chạy dọc bờ sông Trường Giang thuộc xã Tam Giang, nhìn cánh rừng ngập mặn hàng chục ha đang được phục hồi xanh tốt, phủ kín và bảo vệ khu vực đê chắn sóng không bị sạt lở mỗi khi bão, lũ, chúng tôi thấy thật an lòng, chứ không như những năm 1995, khu rừng ngập mặn hơn 100ha này đã bị người dân khu vực chặt phá để làm ao nuôi tôm.

img

Ông Nguyễn Ngọc Chính (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) bên rừng bần, đước được phục hồi là lá chắn của xóm làng.  Ảnh: Trương Hồng

Ông Phạm Hồng Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: Toàn xã có hơn 1.849 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và sông nước. Trước đây cả xã có hơn 100ha rừng ngập mặn gồm cây bần, đước, mắm, nằm dọc bờ sông Trường Giang, thuộc 4 thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ có tác dụng chắn sóng bảo vệ làng.

Rừng ngập mặn đang phát triển tốt thì đến năm 1995, do con tôm thẻ chân trắng có giá, nên người dân khu vực đua nhau chặt phá rừng và lấn dòng Trường Giang để làm ao nuôi tôm với diện tích khoảng 170ha.

Dù xã liên tục tuyên truyền, lập biên bản, nhưng dân vẫn lén lút phá rừng. “Họ chỉ thấy được cái lợi trước mắt, chứ không nghĩ về sau. Đến năm 2007, con tôm hạ giá kèm với việc thua lỗ nên người dân đành bỏ hoang ao nuôi. Việc phá rừng của người dân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến động, thực vật sinh sống trong rừng, nhất là tôm, cua, cá, chim, cò bị tiêu diệt dần dần…” - ông Châu nói.

Trồng rừng để bảo vệ làng

" Mình bảo vệ rừng tốt, thì rừng sẽ không phụ công mình. Rừng phát triển trở thành nơi sinh sản và trú ngụ của tôm cá, chim chóc. Rừng không chỉ cho chúng tôi thu nhập cao từ tôm cá mà còn có tác dụng chắn sóng, ngăn gió bão, bảo vệ xóm làng nữa…”.
Ông Nguyễn Ngọc Chính

Lo sợ đất và bờ đê dọc sông Trường Giang ngày càng bị xói mòn, sạt lở, UBND xã Tam Giang liên tục “cầu cứu” với các ngành chức năng của huyện có biện pháp hỗ trợ phục hồi lại cánh rừng ngập mặn nhằm bảo vệ đê, bảo vệ xóm làng.

Tháng 6.2014, huyện Núi Thành đã chọn Trường Đại học Kinh tế Huế hỗ trợ xã Tam Giang 1ha cây đước, bần, mắm trồng thử nghiệm tại các thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ.

Tiếp đó, Dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn do Ban quản lý dự án ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) huyện Núi Thành tiếp tục triển khai hoàn thành vào cuối tháng 8.2015, với tổng diện tích trồng phục hồi rừng ngập mặn là 27,45ha, trong đó trồng rừng 23,90ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 3,55ha, với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng.

“Với việc lựa chọn cây giống phù hợp, thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc và xây dựng hàng rào bảo vệ nên vùng rừng trồng đước, bần, mắm của dự án phát triển tốt…” - ông Châu phấn khởi khoe.

Ông Nguyễn Ngọc Chính ở thôn Đông Xuân (Tam Giang) chia sẻ, nhận thấy tầm quan trọng của việc phải bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn, nên chính quyền và bà con nơi đây đã cùng nhau ký vào cam kết thực hiện quy chế ban hành quản lý và sử dụng rừng ngập mặn có hiệu quả, ai xâm hại đến rừng bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Hiện tại, xã còn gần 70ha diện tích cần được khôi phục trồng rừng ngập mặn trong những năm kế tiếp, để khôi phục lại toàn bộ diện tích rừng mất ngày xưa, xã Tam Giang đang khảo sát và tiếp tục kiến nghị với UBND huyện Núi Thành xin hỗ trợ kinh phí để dự án thực sự có hiệu quả, là “lá chắn xanh” ứng phó với BĐKH trong tương lai của Tam Giang và huyện Núi Thành nói chung”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem