Hội thảo “Thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng bờ biển Sóc Trăng” đã diễn ra hôm qua (19.11) tại TP.HCM với sự thạm dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Dự án Hợp tác kỹ thuật Việt - Đức “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng” (GIZ Sóc Trăng) cho biết, vùng ven biển Sóc Trăng chịu ảnh hưởng của chế độ chảy của sông Mekong, triều cường của biển Đông và dòng chảy hải lưu ven dọc bờ biển dài và gió mùa. Vì vậy tình trạng bồi lắng và xói lở liên tục dọc theo bờ biển và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ông Klaus Schmitt - Cố vấn trưởng Dự án GIZ Sóc Trăng cho biết cần phải thực hiện đồng thời các giải pháp để bảo vệ vùng bờ biển Sóc Trăng. Trong đó phải khôi phục và quản lý hệ thống rừng ngập mặn ven biển, quản lý tổng hợp vùng ven biển. Đồng thời xây dựng năng lực cho người dân địa phương để phòng chống, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Dự án GIZ Sóc Trăng đang triển khai thí điểm tại ấp Âu Thọ B (xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu) với mục đích phục hồi rừng ngập mặn và thành lập cơ chế đồng quản lý rừng ngập mặn và vùng bãi bồi cũng được xem là mô hình hiệu quả. Dự án xây dựng các tường phá sóng tại Vĩnh Tân (Vĩnh Châu) cũng đang phát huy hiệu quả tốt. Đại diện Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng cho biết, hiện tại Sóc Trăng đang thực hiện 3 điểm đồng quản lý rừng ngập mặn tại huyện Trần Đề, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven bờ.
Ngày 19.11, tại Quảng Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Biến đổi khí hậu khu vực Miền Trung-Tây Nguyên: Thực trạng và giải pháp ứng phó”.
Các nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực, như: Phát triển kinh tế-xã hội bền vững và tăng trưởng xanh trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và sinh kế cho người dân; nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu...
Hữu Ký- Minh An (Hữu Ký- Minh An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.