Trồng sa nhân tím kết hợp giữ rừng

Thứ ba, ngày 30/08/2011 03:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cây sa nhân tím được trồng thành công tại thôn 3, xã Sơn Lang (huyện Kbang, Gia Lai) đang hứa hẹn mở ra một nghề mới, mang lại thu nhập khá cao cho người dân.
Bình luận 0

Từ việc dựa “lộc trời”

Nhiều năm qua, người dân ở Sơn Lang chỉ thu hoạch sa nhân tự nhiên, chưa bao giờ họ nghĩ đến việc trồng loại cây này. Cách đây đã 3 năm, TS Nguyễn Thanh Phương-Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ chọn Sơn Lang để thử nghiệm trồng sa nhân tím cho đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu gây trồng sa nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm bảo vệ, phát triển nguồn gen quý, sử dụng hiệu quả vùng đất dốc và nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng núi”, nhiều gia đình được chọn để trồng thử nghiệm sa nhân tím .

img
Chị Nguyễn Huệ bên cạnh chùm sa nhân tím vừa hái.

Có không ít “lời ong, tiếng ve” xung quanh chuyện trồng sa nhân tím nhưng tựu trung là không mấy ai tin tưởng sa nhân tím sẽ cho kết quả bằng con đường nhân tạo. Hộ anh Đinh Dũng, người Ba Na ở thôn Hà Nừng, xã Sơn Lang và hộ chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn 3, xã Sơn Lang được chọn trồng thử nghiệm. Anh Dũng được Viện cung cấp cây giống, trồng dưới tán rừng xoan 4 năm tuổi của mình. Chị Huệ được trả 1 triệu đồng để ươm giống sa nhân vô tính và giao 10 khoảnh rừng để trồng…

Tuy là người tình nguyện nhưng, chị cũng chưa mấy tin tưởng. Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra: Chỉ sau hơn 1 năm, vườn sa nhân tím của chị Huệ đã cho thu hoạch hơn 50kg quả khô. Thương lái vào mua tại chỗ, với giá 160 nghìn/kg quả khô, chị Huệ thu được 8 triệu đồng.

Còn anh Đinh Dũng, với 2ha trồng dưới tán rừng xoan, anh thu hơn khoảng 5 tạ quả khô, bán được 80 triệu đồng. Nếu như không trồng xen sa nhân tím, vườn xoan 4 năm tuổi của anh đã chẳng thu được gì mà còn mất thêm công chăm sóc…

Cần nhân rộng mô hình

TS Nguyễn Thanh Phương cho biết: Mô hình trồng sa nhân tím ở Sơn Lang đã cho kết quả hơn mong đợi, chứng tỏ điều kiện sinh thái ở đây rất thích hợp. Nếu được giao rừng, hàng chục nghìn hộ dân ở KBang sẽ có thêm một nghề mới, phù hợp với tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ rừng…

Sa nhân tím thuộc họ gừng, (tên khoa học là Amomum Longiligulare T.L.Wu) là cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Sa nhân có vị cay, tính ôn, có tác dụng hành khí, điều trung, hòa vị, làm cho tiêu hóa dễ dàng thường được dùng trong các trường hợp: Đầy bụng, ợ hơi, ăn chậm tiêu, tả lỵ đau bụng.

Chị Huệ cũng cho biết: “Hiện nay nhiều hộ muốn được tham gia trồng sa nhân tím. Nếu được giao đất rừng, người dân sẵn sàng nhận khoán để giữ rừng trồng sa nhân tím”. Như vậy vấn đề là nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Sơn Lang để tiến tới phổ biến cho nông dân làm nghề rừng.

Ngoài việc chuyển giao kỹ thuật giâm hom để chủ động giống; thu hái, chế biến, bảo quản cho nông dân để giảm chi phí, vấn đề không kém phần quan trọng là đầu ra cho sản phẩm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức giá mà các nhà thuốc bắc mua lại của thương lái cao gấp đôi so với việc mua tại gốc, gây thiệt thòi rất lớn cho người sản xuất. Mặt khác UBND tỉnh Gia Lai cũng cần xem xét lại việc giao rừng cho dân để trồng sa nhân tím bởi hiện tại việc giao rừng theo Đề án 108 và 134 đã chấm dứt; đồng thời có cơ chế chính sách để phát triển vùng chuyên canh loại cây dược liệu quý này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem