Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã xác định 21 loại hình thiên tai gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần.
Như vậy, Việt Nam đã nếm trải đủ 20 loại hình thiên tai, trừ sóng thần.
Đợt lũ quét khủng khiếp ở các tỉnh miền núi phía Bắc khiến 71 người chết và mất tích. Ảnh: BGT.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai bao gồm: 02 cơn bão, 01 ATNĐ, 88 trận dông, lốc sét, 7 trận lũ quét, sạt lở đất, 07 đợt gió mạnh trên biển, 04 đợt rét đậm, rét hại,…
Trong đó đặc biệt là đợt lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ ngày 23-26/6/2018 gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng thiệt hại về người là 71 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 474,82 tỷ đồng.
Trước diễn biễn ngày càng phức tạp và khó lường của thiên tai, công tác phòng ngừa và kiểm soát rủi ro thiên tai được chú trọng và tăng cường đẩy mạnh. Theo đó, Tổng cục Thiên tai tổ chức các đoàn kiểm soát an toàn trước thiên tai, trong đó xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn trước thiên tai đối với công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi (Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái); công tác phòng chống bão, lũ, sạt lở bờ sông, xói bờ biển tại các tỉnh miền Nam (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau); Triển khai xây dựng 04 bộ chỉ số về kiểm soát an toàn thiên tai đối với khu đô thị, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, khu nghỉ dưỡng ven biển và xả lũ hồ chứa; Tham mưu Bộ chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến vị trí điểm sạt lở khu vực ĐBSCL, phân loại mức độ nguy hiểm và tổ chức cắm biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm; Báo cáo Bộ về việc rà soát, kiểm tra thực tế các kè biên giới, công trình bảo vệ bờ sông, suối, kênh rạch tại văn bản số 70/BNN-PCTT ngày 16/3/2018.
Người dân xã Noong Hẻo, Sìn Hồ, Lai Châu thất thần bên nền nhà cũ bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Thanh Niên.
Tuy vậy, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, việc kiểm soát an toàn thiên tai còn thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện nên đến nay vẫn chưa thể triển khai và hướng dẫn; Chiến lược Quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2035, tầm nhìn 2050 đã trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 7/2016, đến nay đã tổ chức rà soát, chỉnh sửa nhiều lần, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên một số nhiệm vụ liên quan đến Chiến lược vẫn chưa được triển khai;
Trình độ chuyên môn và kiến thức quản lý nhà nước của một bộ phận cán bộ còn yếu, kinh nghiệm thực tiễn còn thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc trong khi tình hình thiên tai đang ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường ; năng lực tham mưu, nắm bắt thông tin, công tác thống kê, phân tích, dự báo vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Việc chấp hành kỷ cương kỷ luật hành chính ở một số bộ phận cán bộ còn chưa tốt, thực hiện nhiệm vụ được giao còn chậm tiến độ, bỏ sót công việc; công tác báo cáo chưa kịp thời, đúng hạn, phải đôn đốc; chất lượng báo cáo chưa cao.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình hình thiên tai 6 tháng cuối năm 2018 sẽ có khoảng 12-13 cơn hoạt động trên biển Đông và khoảng 04-05 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều vào khu vực Trung Bộ. Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng bão, ATNĐ trên vùng biển phía Nam biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền khu vực phía Nam nước ta không nhiều như năm 2016 và 2017. Nhiều đợt lũ lớn vẫn xuất hiện, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khu vực vùng núi phía Bắc, Trung Bộ.
Trước tình hình đó, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy các mặt tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành, khắc phục những tồn tại, khó khăn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, Tổng cục phấn đấu tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai. Tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai Quốc gia, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác phòng chống thiên tai, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai với các cấp độ rủi ro, từng bước hệ thống hóa trạm quan trắc giám sát chuyên dùng, tổng hợp mọi nguồn lực, vật tư, phương tiện, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.