Bạn Bùi Thị Hoa ở Bắc Ninh gửi câu hỏi tới ông Hùng: Tôi thấy ở địa phương tôi ngành Thủy lợi đã bắt đầu được giao kiểm soát chất lượng nước nội đồng, tức là ở các kênh, mương còn ở sông thì vẫn thuộc ngành Tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì ngành thủy lợi chủ yếu kiểm tra những kết quả đã kiểm nghiệm và công bố của các doanh nghiệp xả thải (kiểm tra hồ sơ) chứ không có chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm mẫu nước, mẫu rau, củ, quả…về mức độ ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm. Xin hỏi ông, các quy định mới của Luật thủy lợi như vậy liệu có bất cập không? Làm thế nào để kiểm soát được các doanh nghiệp, làng nghề xả thải ra môi trường chưa xử lý?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Theo Luật Thủy lợi, một trong các nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi là bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Việc quản lý chất lượng trong hệ thống sông, quản lý môi trường nói chung thuộc trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường.
Để kiểm soát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, từ nhiều năm nay, việc lấy mẫu nước để xét nghiệp các chỉ tiêu và dự báo chất lượng nước được các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Các việc trên đã giúp ích nhiều cho công tác điều hành cấp nước của các hệ thống công trình thủy lợi. Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi đang ở mức báo động do sự gia tăng lượng nước xả không qua xử lý từ các khu đô thị, công nghiệp, làng nghề,..
Trong thời gian tới, để kiểm soát việc xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn nước xả vào công trình thủy lợi, nếu không bảo đảm chất lượng sẽ không được phép xả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.