Thượng đỉnh trở lại
Tổng thống Donald Trump tiếp đón Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty.
Vào hôm qua (1.6), trước các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12.6 tại Singapore đã chính thức được hồi phục. Thông báo này được đưa ra sau khi ông Trump tiếp đón Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol – cánh tay phải của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên.
“Chúng tôi sẽ gặp nhau tại Singapore vào 12.6. Quá trình đàm phán hồi phục Thượng đỉnh đã diễn ra khá tốt. Chúng tôi đã hiểu thêm nhiều về người Triều Tiên”, ông Trump nói, đồng thời tiết lộ thêm rằng vấn đề chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên có thể sẽ được đem ra thảo luận với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ông Trump thừa nhận rằng cuộc gặp Thượng đỉnh sẽ không đem lại một thỏa thuận cuối cùng với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Tôi chưa bao giờ nói việc này có thể giải quyết được trong một cuộc gặp. Nó sẽ phải là một quá trình. Thế nhưng, quan hệ giữa 2 bên đang tiến triển rất tích cực”, vị Tổng thống chia sẻ.
Trước đó khoảng một tuần, Washington đã tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nước với lý do Bình Nhưỡng đã mạt sát Phó Tổng thống Mike Pence. Ngay sau đó, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã nỗ lực và khẩn trương đàm phán tại nhiều nơi nhằm cứu vãn cuộc gặp lịch sử được Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả là “chỉ có một lần trong đời”.
Donald Trump: Tỏa sáng với vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump đã làm được điều mà những người tiền nhiệm không làm được với Triều Tiên. Ảnh: AP.
Đây chính là ngoại giao theo kiểu Donald Trump. Trước ông Trump, Tổng thống George Bush đã không làm được, Tổng thống Barack Obama cũng đã không làm được. Thế nhưng, vị Tổng thống bị coi là “lạc loài”, “kẻ ngoại đạo”,… đã làm được. Những chính trị gia kinh nghiệm đầy mình đã không làm được việc mà một doanh nhân chuẩn bị làm: gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo Triều Tiên.
Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1.2017, mọi vấn đề đối nội như thông qua đạo luật nhập cư, nghi vấn Nga can thiệp bầu cử,… đều bủa vây, khiến ông Trump phải đau đầu. Thế nhưng, riêng với vấn đề Triều Tiên, mọi thứ có vẻ đều dễ dàng và trôi chảy giống như cách mà ông chào đón “người quyền lực thứ nhì Triều Tiên” Kim Yong-chol tới Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, dù tiến trình đối thoại giữa hai đang phát triển theo chiều hướng tích cực, ông Trump vẫn rất thận trọng, “ghìm” sự kỳ vọng cho cuộc gặp sắp tới tại Singapore khi nói với các phóng viên rằng có thể sẽ không có một lễ ký kết lịch sử nào. Việc này đã xóa tan đi áp lực buộc phải giải quyết ngay vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim, dọn đường cho một tiến trình tuy dài nhưng chắc chắn sau này.
Hướng đi của ông Trump có vẻ “phi truyền thống”: khởi đầu quá trình bằng một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo và giải quyết vấn đề bằng một quá trình sau đó chứ không phải ngược lại giống như các đời Tổng thống Mỹ trước. Thế nhưng, sự thực không thể chối bỏ là chính sách của vị Tổng thống doanh nhân này dường như đang phát huy hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.