Theo số liệu trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2018 của Tổng cục thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (4.512 USD/lao động), tăng 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017 (346 USD). Còn nếu so với năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2018 ghi nhận mức tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm.
Tổng cục thống kê cho rằng năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực Đông Nam Á. Trong giai đoạn 10 năm 2008-2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm); Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philippines (3,3%/năm) và Indonesia (3,4%/năm).
Năng suất lao động của Việt Nam từ 2011 đến 2018. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đơn vị: triệu đồng/lao động
Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.
Đáng chú ý, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Năng suất lao động Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với nhiều nước trong khối ASEAN
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394,9 nghìn người so với năm 2016. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2017 ước tính đạt 48,2 triệu người, tăng 511 nghìn người so với năm trước. Số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 ước tính 53,7 triệu người, tăng 416,1 nghìn người so với năm 2016.
Theo các chuyên gia kinh tế từng nhận định, một số nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực đó là: phần lớn người lao động Việt chỉ đảm nhận được các công việc mang tính chất gia công, hoàn thiện theo mẫu mà không tạo ra được sản phẩm có thương hiệu cho thị trường; 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất cũng ở mức thấp; Bên cạnh đó, trong cộng đồng DN Việt Nam hiện nay có đến trên 90% là DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao; số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn…
Nếu muốn khởi nghiệp vào năm 2019, nhất định không được bỏ qua những lời khuyên hữu ích này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.