Trung đội Mãnh Hổ và nỗi ám ảnh về Việt Nam (Kỳ 4): Tự vẫn để giải thoát

Minh Châu (theo Toledo Blade) Thứ năm, ngày 22/10/2020 20:20 PM (GMT+7)
Sam Ybarra ngồi trong bóng tối, tại ngôi nhà của mẹ mình ở Arizona, khóc thổn thức. Từng có thời bị những thành viên Mãnh Hổ khác e sợ, giờ Ybarra chỉ là một con người kiệt quệ, bị những ký ức thời chiến giày vò.
Bình luận 0

“Tôi hỏi nó: Làm sao thế con? Sao con lại khóc?” Mẹ của Ybarra, bà Therlene Ramos nhớ lại: “Nó nói: Đó là cuộc đời con, những chuyện con làm. Con đã giết người, mẹ ạ. Con đã giết những người vô tội. Lẽ ra con không nên làm thế. Trời ơi, con đã làm gì vậy?

Tay run run, hắn cuộn người trên chiếc đivăng, nhắc đi nhắc lại: “Tại sao vậy?”. Câu hỏi chỉ có Ybarra mới trả lời được. 3 lần, các nhà điều tra tìm cách chất vấn cựu binh nhì về những lời cáo buộc, cả 3 lần hắn đều từ chối. Khi cuộc điều tra được tiến hành năm 1971, Ybarra đã giải ngũ và sống ở San Carlos Apache (Arizona).Vì không còn phục vụ trong quân ngũ, về mặt pháp lý, cựu binh khét tiếng nhất Mãnh Hổ không phải trả lời các câu hỏi.

Trung đội Mãnh Hổ và nỗi ám ảnh về Việt Nam (Kỳ 4): Tự vẫn để giải thoát - Ảnh 1.

Lính Mỹ tra tấn một tù binh Việt Nam.

Sau nhiều năm nghiện rượu và ma tuý, Ybarra chết vì bệnh viêm phổi ở tuổi 36. Trước khi qua đời năm 1982, hắn đã nhiều lần khóc trước mặt những người thân nhất của mình. Người mẹ của cựu binh nhì (giờ bà đã 78 tuổi) nhớ lại: “Nó cứ ngồi và khóc. Ngồi và khóc. Nó nói với tôi: Con cảm thấy ân hận quá. Con xin Chúa tha thứ vì những việc con làm, vì đã giết những người đó, tất cả thường dân, tất cả trẻ em. Họ đâu có định hại gì con... Nó sống đấy, nhưng thực ra đã chết”.

Trong số 30 tố cáo về tội ác chiến tranh được lục quân điều tra, có 7 là nhằm vào Ybarra, bao gồm có việc cưỡng hiếp và đâm chết một cô bé 13 tuổi và giết dã man một cậu bé 15 tuổi. Rất nhiều lần, các nhân chứng nhìn thấy hắn cắt tai của những binh lính đối phương và dân làng đã chết, thậm chí có khi lột da đầu họ.

Năm 1966, Ybarra cùng người bạn thân thời trung học Kenneth Green nhập ngũ. Sau khi đến Việt Nam, 2 tên rủ nhau tham gia trung đội Mãnh Hổ và đều trở thành những kẻ được tín nhiệm trong chiến đấu nhờ tính tàn nhẫn đối với dân làng. Green từng bị cáo buộc là tra tấn một tù nhân hồi tháng 5/1967 gần Đức Phổ, bằng cách đâm dao nhiều lần vào cổ nạn nhân trước khi giết bằng cách cắt cổ. Ybarra và Green từng khoe cưỡng hiếp và giết chết một cô bé trong một trận càn gần Tam Kỳ hồi tháng 8. Tuy trung đội được chia thành nhiều nhóm, 2 kẻ này luôn ở bên nhau. Ngày 29/9/1967, trung đội bị phục kích, Green bị bắn vào chân. Khi lính cứu thương kéo Green đi, hắn trúng đạn ở đầu và chết ngay trước mắt bạn. Ybarra tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của Green. Trong 2 tháng tiếp theo, hắn trở thành kẻ giết người nhiều nhất trong trung đội. Trong trận càn một làng gần Chu Lai, hắn thực hiện một tội ác dẫn tới cuộc điều tra của lục quân đối với Mãnh Hổ sau này: cắt cổ một em bé sơ sinh để lấy một cái vòng cổ.

Năm 1968, Ybarra không còn ở đơn vị Mãnh Hổ nữa. Sau nhiều lần đụng dộ với thượng cấp, hắn bị điều đến một đại đội pháo binh. Đến năm 1969, Ybarra ra trước toà án binh 3 lần vì không tuân lệnh thượng cấp và tàng trữ marijuana.

Ra khỏi lục quân tháng 4/1969, cựu binh Mãnh Hổ quay về Arizona. Khi các nhà điều tra tìm cách thẩm vấn Ybarra lần cuối vào năm 1975, hắn đang sống trong một chiếc xe moóc, bị bệnh tiểu đường và xơ gan. Theo lời người vợ cũ Joyce Little, tên này suốt ngày uống rượu và dùng marijuana. Những người thân của Ybarra không biết về những tội ác của hắn. Họ nghĩ đó là một người dũng cảm. Các tờ báo địa phương còn viết về những "chiến công" của Ybarra. Còn bản thân hắn ta lại uống để quên đi những gì mình làm ở Việt Nam. “Có lẽ là anh ấy sợ những hồn ma của những người anh ấy đã giết, những việc anh ấy đã làm. Anh ấy có lẽ bị ám ảnh bới những bóng ma ấy”, người vợ cũ giải thích.

Đối với Barry Bowman, những hình ảnh thời chiến trở về vào ban đêm. Ông già Đào Huệ quỳ dưới chân ông ta. Viên sĩ quan chĩa một khẩu súng trường vào đầu người đàn ông. Một phát súng. Ông già ngã ra đất, oằn mình trên mặt cỏ đẫm máu. Mặc dù đã qua nhiều năm điều trị tâm lý, cựu binh Mãnh Hổ vẫn dằn vặt về cảnh tượng mà mình đã chứng kiến, khi còn là một lính cứu thương trẻ ở thung lũng sông Vệ.

Trong số 43 cựu thành viên được Toledo Blade phỏng vấn, có nhiều người thường xuyên gặp phải ác mộng, bị quá khứ ám ảnh và suốt 36 năm phải điều trị tâm lý. 9 người được chẩn đoán là bị chứng PTSD (stress hậu chấn thương), một tình trạng tâm lý thường xuất hiện sau khi người bệnh trải qua những việc đe doạ đến tính mạng.

Khi Douglas Teeters, một cựu binh, nhắm mắt, ông ta nhìn thấy cảnh những dân làng bị bắn trong lúc họ vẫy truyền đơn, mong được bảo toàn mạng sống. Thuốc chống suy nhược và thuốc ngủ không giúp ông ta tìm được sự thanh thản.

Ở Mỹ, cứ 6 cựu chiến binh Việt Nam thì có 1 người bị mắc chứng PSTD. Những ai khỏi bệnh có thể nhớ lại những sự kiện khủng khiếp mà không cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, đối với những người đã tiến hành các tội ác, hay không ngăn cản được chúng, thì tình trạng bệnh lý của họ phức tạp hơn. Ngoài chứng stress, họ còn bị ý thức tội lỗi đè nặng khiến cho nỗi sợ hãi và cảm giác bị cô lập đè nặng. Các bệnh nhân thường vừa tìm cách lý giải cho hành động của mình, lại vừa lên án những gì mình từng làm.

Cựu trung sĩ Ernest Moreland từ chối miêu tả vai trò của mình trong việc đâm chết một tù nhân gần Đức Phổ, vì sợ bị truy tố: “Những việc bạn đã làm. Bạn nghĩ lại và tự nhủ: Tôi không thể tin được là tôi lại làm việc đó. Vào thời điểm đó, thì việc này có vẻ như là đúng. Nhưng bây giờ bạn đã biết đó là sai. Không thể lẩn trốn những cơn ác mộng, không thể lẩn trốn quá khứ”. Ông ta dùng ma tuý và rượu để làm dịu nỗi đau, khi trở về Việt Nam. “Tôi từng suýt tự tử”.

Chỉ riêng có cựu trung đội trưởng Mãnh Hổ James Hawkins, kẻ đã trực tiếp ra lệnh cho các thành viên giết dân thường, thì không áy náy về những gì mình đã làm. Cựu trung uý cho rằng mình có quyền bắn vào dân thường. “Trong bất kỳ cuộc chiến nào, dân thường và nhưng người vô tội sẽ bị giết. Tôi không hối tiếc” .

Có một số cựu thành viên, để tồn tại, phải làm ngơ trước các hoạt động của Mãnh Hổ. Một trong số họ là Rion Causey, 55 tuổi, hiện là kỹ sư hạt nhân: “Tôi thường thức dậy lúc nửa đêm, mồ hôi vã ra đầy mình. Tôi đã không lên án những việc đã xảy ra khi đó. Tôi mới 19 tuổi, nhưng tôi biết những gì họ đã làm là sai".

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cắt bộ phận của người chết trong thời chiến là những triệu chứng điển hình giai đoạn 2 của chứng PTSD, trong đó sợ hãi biến thành sự tức giận. Cựu binh Joseph Evans, 59 tuổi, hiện sống ở Atlanta, cho biết mình từng cắt tai người: “Bỗng nhiên bạn phải đương đầu với cơn giận khủng khiếp. Bạn có cảm giác bị thiêu đốt và sợ hãi, và bạn làm việc đó để gánh nặng của mình nhẹ bớt”.

William Carpenter, 54 tuổi, nói rằng trước khi chết, ông ta muốn trở lại thung lũng sông Vệ, nơi các binh lính Mãnh Hổ bắn chết 4 nông dân già và nói lời xin lỗi đối với các gia đình những người đã mất.

Nỗi ám ảnh về Việt Nam còn bám theo cả những thành viên Mãnh Hổ từng chống lại đồng đội của mình để bảo vệ dân thường. Hồi tháng 8/1967, ở ngôi làng gần Chu Lai, sau khi chứng kiến các binh lính Mãnh Hổ hành quyết một người không có vũ khí, trung sĩ Gerald Bruner đã làm một việc bất ngờ: Ông giơ súng lên và doạ sẽ giết ai còn tìm cách bắn thường dân. Các binh lính đã phải lui bước. Đây là lần duy nhất, một thành viên trung đội doạ bắn đồng đội của mình để ngăn cản sự tàn sát. Vì chuyện này, Bruner đã bị một chỉ huy mắng mỏ và yêu cầu gặp bác sĩ tâm lý. Ông thuyên chuyển khỏi Mãnh Hổ tháng 9/1967.

Bruner đã nhiều lần khiếu nại với cấp trên và vài năm sau đó, với các nhà điều tra về các hành vi của Mãnh Hổ. Nhưng đều vô ích. Mãi đến khi qua đời vì bệnh ung thư năm 1997, ông vẫn bị ám ảnh về 2 tháng ở cùng Mãnh Hổ và thường uống rượu để quên đi những ký ức đau đớn.

Trong trung đội, trung uý Donald Wood là người thường xuyên tranh cãi với James Hawkins, cùng quân hàm với ông ta nhưng là trung đội trưởng. Lần đầu tiên, Wood ngăn cản các binh lính trong tình trạng say rượu qua sông Vệ (vụ dẫn đến cái chết của ông Đào Huệ, nhưng bị Hawkins phớt lờ). Một lần khác, Hawkins ra lệnh cho quân lính bắn 2 bà cụ Việt Nam. Wood, bất bình, yêu cầu các binh lính không được nổ súng. Nhưng các thành viên Mãnh Hổ vẫn tuân theo lệnh chỉ huy của họ. “Hai người như ban đêm và ban ngày, luôn cãi nhau”, cựu binh Wiliam Carpenter nhớ lại. Theo Carpenter, trung uý Wood là một người “quan tâm đến dân thường” nhưng lại không thể ngăn cản bạo lực. Ông từng khiếu nại lên tư lệnh cấp cao và một sĩ quan thuộc một sư đoàn khác. Wood thậm chí còn phản ánh lên một vị tướng thanh tra, nhưng không ai có hành động gì. Bất mãn, đến tháng 8/1967, ông ta xin thuyên chuyển khỏi đơn vị.

Wood về sau trở thành một luật sư ở Findlay (Ohio). Ông qua đời vì vì chứng phình não năm 1983, ở tuổi 36. Vợ ông, bà Joyce, cho biết Wood rất ít khi nói về thời kỳ ông ta ở Việt Nam, nhưng thường gặp phải ác mộng, vì những hồi ức chiến tranh. Một trong những người bạn của ông , bác sĩ Brenz, kể rằng Wood vẫn tâm sự muốn dành thời gian để hiểu rõ con người Việt Nam hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem