Phát triển lợi thế địa phương
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) có 14 tỉnh. Đây là vùng có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; có tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, một số khoáng sản có trữ lượng lớn như quặng sắt, quặng apatit, vonfram... Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, đây là một thế mạnh và là cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
Mô hình trồng nấm linh chi tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hòa Bình. Ảnh: Võ Hương
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, các địa phương cần tính đến bài toán kinh tế khi triển khai các nhiệm vụ KHCN, đây là yếu tố quan trọng nhất để thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động KHCN. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cần được các địa phương quan tâm thực hiện để KHCN thực sự trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
|
Vùng TDMNPB còn có một hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đa dạng, diện tích đất đồi, rừng lớn có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng; có một số khu rừng đặc dụng, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng như rừng quốc gia Ba Bể, rừng quốc gia Xuân Sơn, Hoàng Liên, Cao nguyên đá Đồng Văn...
Về phát triển KHCN ở vùng TDMNPB, theo ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN (Bộ KHCN), nhân lực của 14 Sở KHCN vùng này là 1.022 người, trong đó tiến sĩ 9, thạc sĩ 127, đại học 703, còn lại là cao đẳng trung cấp... Giai đoạn năm 2014 và 2016 có 794 nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học nông nghiệp; khoa học y dược; khoa học kỹ thuật và công nghệ. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây, trung bình đạt từ 50-70% (tùy địa phương).
Trong đó, theo ông Liễu, riêng lĩnh vực khoa học nông nghiệp có 398 nhiệm vụ (50,13%), tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu tuyển chọn, phục tráng nhân giống các cây trồng chủ lực, cây đặc sản ở địa phương...
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, hoạt động KHCN của vùng TDMNPB còn một số hạn chế. Đó là đa phần các nhiệm vụ KHCN thường chỉ giải quyết những vấn đề đơn lẻ, chuyên biệt, phục vụ chủ yếu cho một ngành, một cơ sở của địa phương nên không đủ mức độ cần thiết để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Liễu, công tác xã hội hóa hoạt động KHCN chưa được đẩy mạnh, nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước chi cho KHCN còn khá thấp. Hiện nay, một số địa phương đã có quỹ phát triển KHCN nhưng hoạt động chưa tốt. Do đó cần tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia trong quá trình đầu tư và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, giúp sản phẩm nghiên cứu sớm được đưa vào thực tế.
Đại diện Sở KHCN Tuyên Quang chia sẻ, để thúc đẩy hoạt động KHCN trong vùng nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng cần tăng cường công tác đào tạo kiến thức KHCN chuyên ngành cho đội ngũ công chức các Sở KHCN, nhất là công tác thẩm định, giám định công nghệ; xây dựng, thẩm định và quản lý các đề tài, dự án cấp tỉnh, dự án nông thôn miền núi...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.