Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong tuần qua, chính quyền Trump đã thể hiện thái độ mới, nhiều khắt khe hơn và thậm chí đối đầu với Bắc Kinh.
Đầu tiên là Bộ Tài chính Mỹ công bố trừng phạt ngân hàng Dandong của Trung Quốc vì ngân hàng này hành động “như một đường dây cho hoạt động tài chính trái phép của Triều Tiên”. Điều này đồng nghĩa ngân hàng trên sẽ bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ, bị cấm tạo tài khoản và thực hiện giao dịch đối với các tổ chức ở Mỹ. Ngoài ra, một công ty và 2 cá nhân Trung Quốc cũng bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì có mối liên hệ với Triều Tiên.
Chưa hết, chính quyền Trump cũng được cho là đang cân nhấc các biện pháp trừng phạt thương mại khác đối với Trung Quốc trong đó bao gồm đánh thuế nặng đối với thép nhập khẩu từ con rồng châu Á.
Những động thái này đánh dấu sự đảo ngược trong cách tiếp cận trước đó của Tổng thống Mỹ với Bắc Kinh khi ông Trump xem Trung Quốc là đối tác lớn trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên.
Khi còn tranh cử, ông Trump luôn sử dụng giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc. Nói về thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, vào tháng 5.2016, ông Trump tuyên bố: "Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cướp đoạt từ đất nước chúng ta". Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần cam kết sẽ xử lý Trung Quốc nếu được bầu.
"Bạn có thể chiến thắng trước Trung Quốc nếu bạn thông minh", ông Trump nói với các cử tri ở South Carolina. Tuy nhiên, khi nhậm chức, ông Trump dường như lại thích hợp tác hơn là đối đầu với Bắc Kinh. Sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc tại Mar-a-Lago vào đầu tháng 4, ông Trump đã bày tỏ sự lạc quan về việc tìm kiếm quan điểm chung với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và các vấn đề thương mại.
Ngoài những lời lẽ tích cực như thực sự thích Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trump còn bỏ lửng một số đề xuất táo bạo chống lại Trung Quốc khi còn tranh cử. Ông đã quyết định không cáo buộc Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ vì việc cần thiết lúc này là phải có được sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Người Trung Quốc đã miễn cưỡng đưa ra một số biện pháp gây áp lực lên Triều Tiên trước sức ép từ Mỹ cũng như cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, theo như chính quyền Trump tuyên bố tuần trước, Trung Quốc đã làm rất ít và điều đó không đủ để kiềm chế Triều Tiên bởi Bắc Kinh muốn duy trì sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng bày tỏ tình cảm thất vọng với Trung Quốc tương tự như ông Trump khi nói với báo chí rằng Trung Quốc có "trách nhiệm tạo ra các áp lực ngoại giao và kinh tế lớn hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng nếu họ muốn ngăn chặn sự leo thang tiếp theo trong khu vực".
Theo ông Eric Gomez, chuyên gia phân tích về quốc phòng và nghiên cứu chính sách của Viện Cato, Trung Quốc có lý do để không thể mạnh tay với Bình Nhưỡng.
"Triều Tiên là rào chắn kiên cố giữa các lực lượng Mỹ đóng ở Hàn Quốc và biên giới Trung Quốc. Mối quan ngại về an ninh hạn chế sự sẵn sàng của Trung Quốc để làm bất cứ điều gì có thể dẫn đến bất ổn hoặc sụp đổ cho chính quyền Bình Nhưỡng", ông Gomez tuyên bố.
Hơn nữa, Trung Quốc còn không nắm trong tay đòn bẩy về Triều Tiên như chính quyền Trump tin là họ có.
"Khả năng điều khiển chính quyền Kim Jong-un của Trung Quốc đã bị Mỹ đánh giá quá cao", ông Gomez nhấn mạnh và lấy dẫn chứng là vụ thanh trừng ông Jang Sang Thaek, người chú rể của nhà lãnh đạo Triều Tiên năm 2013. Ông Jang khi đó là người quyền lực thứ 2 ở Triều Tiên và có nhiều mối liên hệ với Trung Quốc nhưng vẫn không tránh được kết cực thảm hại..
Thực tế, việc dựa vào Trung Quốc để tạo ra một bước tiến lớn hơn ở Triều Tiên là một sự đánh cược liều lĩnh và giờ đây chính quyền Trump dường như đã nhận ra họ kỳ vọng quá cao vào Bắc Kinh.
Sự thất vọng của chính quyền Trump đối với Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các biện pháp trừng phạt kể trên, Mỹ còn chấp nhận bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,4 tỷ USD chọc giận Bắc Kinh.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn chấp nhận bán 20 máy bay không người lái Guardian MQ-9B cho Ấn Độ, một đối thủ trong khu vực của Trung Quốc trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Narendra Modi và ông chủ Nhà Trắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.