Trung Quốc cần thu gom lượng lớn các loại trái cây này, doanh nghiệp lo nhất điều gì?

Thiên Hương Thứ ba, ngày 23/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, rau quả là một trong số ít mặt hàng nông sản chính có sự tăng trưởng về xuất khẩu ngay từ đầu năm, trong khi hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam đều sụt giảm.
Bình luận 0

Xuất khẩu rau quả thu về 1,4 tỷ USD

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 4/2023 đạt 391,4 triệu USD, tăng 22% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022 và trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 804,647 triệu USD, tăng 58,7%. Các đơn hàng nhập khẩu từ thị trường 1,4 tỷ dân tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy ngành rau quả tăng trưởng khả quan.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 9 loại trái cây từ các nước (gồm chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều) với sản lượng đạt 885,3 nghìn tấn, trị giá 1,18 tỷ USD. 

Mặc dù lượng trái cây Trung Quốc nhập khẩu giảm 18,9% nhưng tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân 9 chủng loại quả đạt 1.329,7 USD/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu rau quả - điểm sáng ngành nông nghiệp - Ảnh 1.

Năm 2022, toàn tỉnh Đăk Lăk có 23 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh minh hoa): Cơ sở thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Ngọc Giàu

Trong đợt kiểm tra trực tuyến thứ 2 của cơ quan hải quan Trung Quốc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tươi Việt Nam sang Trung Quốc, đã có thêm 230 cơ sở được cấp phép. Cộng với 113 cơ sở đã được cấp phép năm ngoái, nâng tổng số vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được cấp phép lên tới 343 cơ sở.

Chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều là các loại quả mà Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng và chuối.

Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. Ngoài 9 loại quả kể trên, Việt Nam còn được phép xuất khẩu mít và chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc.

Về thị trường, Việt Nam, Thái Lan và Phlippines là 3 thị trường cung cấp chính 9 loại quả này cho Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là nước cung cấp 9 loại quả này lớn nhất cho Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2023, đạt 376,3 nghìn tấn, trị giá 342,3 triệu USD, giảm 15,4% về lượng nhưng tăng 2,1% về trị giá.

Những năm trước đây, sầu riêng Thái Lan gần như "độc chiếm" thị trường Trung Quốc nên giá bán cao, trong khi thời gian thu hoạch ngắn (năm 2022 Thái Lan xuất khẩu 748.000 tấn sầu riêng vào Trung Quốc, kim ngạch 3,84 tỷ USD). Tuy nhiên, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, loại trái cây này nhanh chóng được người dân Trung Quốc đón nhận nhiệt tình. 

Hiện tại Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc và kỳ vọng có thể đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm nay.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sầu riêng Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu riêng của Thái Lan. Thứ nhất, sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện khoảng 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ thu hoạch theo mùa. Thứ hai, quãng đường vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu riêng Việt Nam tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ.

Tích cực mở thị trường lớn

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang nước này rất lớn bởi nhu cầu lúc nào cũng cao. 

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc bây giờ cũng "khó tính" ngang với Hàn Quốc, Nhật Bản, xu hướng tiêu dùng đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh với trái cây các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… 

Do vậy, các doanh nghiệp hàng rau quả của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thu mua, kiểm tra tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và bảo quản sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác.

Nhận định Trung Quốc là thị trường lớn với quả sầu riêng, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, năm 2023 Chánh Thu dự tính xuất khẩu 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. 

Tuy nhiên, bà Tường Vy cũng lo lắng về vấn đề chất lượng sầu riêng xuất khẩu khi thời gian qua, giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, hàng khan hiếm, một số nhà vườn đã chạy theo lợi nhuận cắt cả hàng non để được lợi về cân nặng mà không có sự chọn lọc. Trong khi thương lái thiếu hàng nên chấp nhận gom mua tất cả các loại sầu mà không phân biệt chất lượng.

Tư duy "bán lúa non cho nặng ký" thì tự giết chính mình và hại nhiều người nông dân chân chính khác. Vì vậy, chúng tôi rất mong có một cơ quan quản lý chất lượng trách nhiệm, như cách mà Thái Lan họ đã và đang làm rất thành công. Theo đó mỗi trái sầu riêng là hình ảnh của quốc gia, được hoàng gia Thái Lan bảo hộ, và nhìn số liệu để có thể chứng minh những điều họ đã làm là mang lại lợi ích cho tất cả người kinh doanh và trồng sầu riêng nâng cao giá trị theo từng năm…" - bà Vy chia sẻ. 

Trung Quốc cần thu gom lượng lớn các loại trái cây này, doanh nghiệp lo nhất điều gì? - Ảnh 4.

Công nhân Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đang tuyển chọn sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: Chánh Thu

Ngoài thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, thời gian qua mặt hàng rau quả cũng xuất khẩu tới một số thị trường khác như Mỹ đạt 72,7 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 65,9 triệu USD, tăng 9,4%; Nhật Bản đạt 54,3 triệu USD, tăng 8,4%. Đáng chú ý, rau quả xuất sang Hà Lan đạt 45,5 triệu USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, Hà Lan được xem là "cửa ngõ" của EU khi 1/3 khối lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ đi qua nước này. Hà Lan còn đóng vai trò là điểm kết nối trọng yếu giữa các cảng, khu công nghiệp của EU và thế giới.

Việt Nam và EU đã ký hiệp định thương mại tự do, theo đó, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. Như vậy, hàng hóa Việt Nam vào Hà Lan sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn với các đối thủ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem