Theo bà Văn Ngọc Bình-Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp tinh bột Trung Quốc, hiện nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc không ngừng gia tăng.
Trong đó, nhu cầu tinh bột sắn để chế biến miến và tinh bột biến tính khoảng 1,5 triệu tấn nhưng các nhà máy của nước này chỉ cung cấp được khoảng 800.000 tấn. Số còn lại phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2010/images/2010-09-21/1435960948-200-nckd7-san.jpg) |
Sắn đang rất hút hàng trên thị trường nông sản. Ảnh: Minh Đức |
Bà Bình cho biết những năm gần đây, công nghiệp tinh bột biến tính Trung quốc phát triển rất nhanh, nhưng cũng không đủ cung cấp nhu cầu thị trường, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu trên 20 triệu tấn. "Sản xuất tinh bột sắn biến tính chi phí thấp, chất lượng cao, tính cạnh tranh là lớn nhất nên nhu cầu vô cùng lớn"-bà Bình nói.
Bên cạnh đó, những năm gần đây công nghệ ethanol không hạt của Trung Quốc phát triển nhanh kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắn và phụ phẩm tăng lên. "Mỗi năm Trung Quốc cần 60 triệu tấn xăng cho động cơ, trong đó cần 10% ethanol để thêm vào xăng. Như vậy sẽ cần 6 triệu tấn cồn mỗi năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 1,2 triệu tấn. Vì vậy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắn để sản xuất cồn là rất lớn" - bà Bình nhận định.
Theo ông Lê Xuân Dương - Giám đốc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay mỗi năm Việt Nam sản xuất ra khoảng 8 triệu tấn sắn, một nửa số này được dùng để xuất khẩu, với kim ngạch khoảng 700-800 triệu USD/năm, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây năng suất sắn của Việt Nam đã đạt mức từ 15,7-16,9 tấn/ha. Với đà này, thời gian tới nếu đẩy mạnh tăng năng suất Việt Nam có thể đáp ứng đủ thiếu hụt nguyên liệu mặt hàng này của phía Trung Quốc.
Phụng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.