Trung Quốc đang quấy nhiễu để lấn dần biển đảo

Thứ ba, ngày 02/04/2013 16:38 PM (GMT+7)
Dân Việt - Tờ Liberation của Pháp số ra ngày 2.4 đã có bài viết nhận định về chủ nghĩa bành trướng trên biển của Bắc Kinh làm các nước láng giềng lo ngại và gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bình luận 0

Theo các chuyên gia, cuộc chiến tranh hao mòn để gặm nhấm biển đảo này của Bắc Kinh là rất khôn ngoan. Tờ báo nhận định, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu chạm vào “giấc mơ Trung Quốc” và để làm được điều đó, Bắc Kinh đã lao vào một tiến trình chinh phục những lãnh thổ với các nước láng giềng.

Tờ báo viết, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền hồi tháng 11.2012 là trung tâm của một cuộc khủng hoảng ngoại giao và thương mại giữa Tokyo và Bắc Kinh. Báo Liberation dẫn lời các chuyên gia cho rằng các vụ va chạm trên biển này có nguy cơ lớn dẫn đến những cuộc đụng độ.

img
Tàu hải giám Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản đụng độ trên biển Hoa Đông. Ảnh wodumedia.

Bãi cạn Scarborough cũng là một đảo bị Trung Quốc yêu sách, nằm cách Philippines 160km nhưng cách vùng duyên hải Trung Quốc đến 800km. Năm 2012, các chiến hạm Trung Quốc đã phong tỏa lối vào chính, khiến các ngư dân Philippines không thể vào được. Để phản ứng lại, Tokyo và Manila đã đứng chung một mặt trận, hợp tác với nhau trong lĩnh vực quốc phòng. Những vụ đụng độ tương tự cũng diễn ra thường xuyên với Việt Nam xung quanh hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là Hoàng Sa, Trường Sa.

Liberation nhận định, những vụ đối đầu này chỉ là chương đầu tiên trong chiến dịch gặm nhấm đầy tham vọng, bởi vì Bắc Kinh yêu sách toàn bộ Biển Đông, trải dài từ duyên hải Indonesia cho đến Malaysia. Bắc Kinh đã âm mưu xâm chiếm biển đảo bằng cách cho phát hành các hộ chiếu có in tấm bản đồ phi pháp hình lưỡi bò.

Tuy nhiên, về mặt chính thức thì Bắc Kinh vẫn rêu rao quan niệm “trỗi dậy hòa bình” và hầu như luôn gửi những tàu “dân sự” nhưng thực chất là tàu quân sự trá hình lên tuyến đầu để chiếm giữ các vùng biển yêu sách. Chuyên gia Stephanie Kleine-Ahlbrandt của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng toàn cầu (ICG) nhận định rằng: “Đó là một chiến lược tinh khôn, bởi vì Trung Quốc có thể đạt được việc kiểm soát một khu vực mà chẳng cần bắn ra phát súng nào”.

Trong khi đó, theo nhận xét của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã quyết định âm thầm thương lượng với Philippines để nước này rút quyết định đưa vấn đề tranh chấp tại Biển Đông ra trước Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Peter Dutton, để đổi lại có thể Bắc Kinh phải cho Manila tiếp cận với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, cam kết không quấy nhiễu việc thăm dò dầu khí của Philippines và thương thuyết với thiện chí.

Tuy nhiên, nếu việc xét xử của tòa án trọng tài quốc tế vẫn tiếp tục, dù Bắc Kinh đã bác bỏ tiến trình này nhưng sẽ gặp nhiều bất lợi vì việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông không được cộng đồng quốc tế ủng hộ, cũng như không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem