Trung Quốc đang thực hiện một cuộc chiến tranh mềm

Hải Phong thực hiện Thứ sáu, ngày 20/06/2014 07:43 AM (GMT+7)
“Giờ đây, không chỉ dừng ở bước thăm dò động thái, phản ứng của ta như trước đây, có vẻ Trung Quốc đang thực hiện một cuộc chiến tranh mềm, một cuộc chiến trên mặt trận kinh tế”, TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã nhận định như vậy khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về bước đi mới của Trung Quốc với việc đưa thêm một giàn khoan vào Biển Đông? Vị trí của giàn khoan này sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?


img

TS Trần Công Trục. Ảnh Giang Huy.

- Theo thông tin ban đầu, giàn khoan Nam Hải số 9 với quy mô gần tương tự với giàn khoan Hải Dương 981 đang tiến vào phía Tây Bắc của quần đảo Hoàng Sa.

Với những gì tôi nghiên cứu, vị trí của nó có thể nằm ngoài phạm vi của cái mà Trung Quốc vẫn gọi là vùng biển Tây Sa, ngay vùng cửa vịnh Bắc Bộ, nơi mà Việt Nam – Trung Quốc đang có những đàm phán để phân định phạm vi lãnh hải. Rõ ràng đây là một vấn đề chúng ta cần phải hết sức lưu ý để có những phản ứng kịp thời.

Tuy vậy, tôi cho rằng một lần nữa Trung Quốc đã bước thêm một bước nữa, thực sự là một cuộc hành quân mới với mục đích khai thác nguồn tài nguyên ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Theo quan điểm cá nhân, đây không chỉ là một động thái nhằm hiện thực hóa yêu sách về đường lưỡi bò, phục vụ mục đích chính trị mà rõ ràng đây là vấn đề kinh tế.

Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm muốn tranh giành nguồn tài nguyên mà Việt Nam và các đối tác đang khai thác hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà cùng lúc họ đưa hai giàn khoan trị giá hàng tỷ đô la vào vùng biển của ta, mỗi ngày tiêu tốn cả triệu USD. Rõ ràng phải có cả mưu đồ về mặt kinh tế trong đó.

Trung Quốc luôn biết chọn thời điểm cho mỗi bước đi của mình. Lần này đúng vào lúc Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì sang Việt Nam trong chương trình hội đàm song phương, một mặt phía Trung Quốc đề nghị Việt Nam vẫn phải duy trì mối quan hệ hữu nghị vốn có suốt 20 năm qua và nhất trí sẽ sớm ổn định tình hình Biển Đông, nhưng mặt khác họ lại có hành động như vậy trên Biển Đông?

- Có thể thấy Trung Quốc quyết tâm thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, đồng nghĩa với việc vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Điều đáng lo ngại hơn cả là càng ngày họ càng làm mạnh hơn, ngang ngược hơn trong bối cảnh cộng đồng quốc tế cũng đang quan ngại và lên án hành vi sai trái của họ. Giờ đây, không chỉ dừng ở bước thăm dò động thái, phản ứng của chúng ta như trước đây, có vẻ họ đang thực hiện một cuộc chiến tranh mềm, một cuộc chiến trên mặt trận kinh tế.

Tất nhiên khi làm những điều này, Trung Quốc đã tính toán tới rất nhiều yếu tố, từ tình hình quốc tế và khu vực cho đến vị trí họ chọn lựa để thực hiện mưu đồ. Rồi đồng loạt thực hiện trên nhiều mặt trận, từ thực địa tới ngoại giao, mục đích chính trị và kinh tế phối hợp chặt chẽ.

Còn việc ông Dương Khiết Trì thăm Việt Nam là theo thỏa thuận từ trước trong quan hệ song phương. Nhưng rõ ràng nếu Trung Quốc có thiện chí, muốn gặp gỡ để giải quyết vấn đề thì họ không thể nào vừa hội đàm với ta lại vừa duy trì giàn khoan cũ và tăng thêm giàn khoan mới, xây dựng đường băng, căn cứ quân sự ở Gạc Ma...

Tất cả rất đồng bộ và được thực hiện nhanh gọn. Những việc họ làm luôn thể hiện lập trường cứng nhắc và nhất quán của họ, đó là không bao giờ từ bỏ Biển Đông. Thậm chí, ngang ngược hơn họ còn đòi chúng ta rút tàu của các lực lượng thực thi pháp luật về thì mới ngồi đàm phán. Thái độ đó là bất chấp dư luận, bất chấp mối quan hệ mà hai nước đã xây dựng lâu nay.

Trong bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc ngày càng ngang ngược, bất chấp mọi thứ, chúng ta sẽ phải có những kế sách đối phó phù hợp với từng hoàn cảnh để không bị động. Theo ông kế sách đó là gì?

- Với những sự kiện lần này, chúng ta đã có những đổi mới trong chiến lược đấu tranh với các hành động sai trái của Trung Quốc. Chúng ta đã lên tiếng một cách mạnh mẽ, cương quyết, rộng rãi hơn về quan điểm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đồng thời chúng ta cũng công khai phản ứng mạnh mẽ với hành vi của Trung Quốc trên trường quốc tế. Nhờ đó, ta đã tranh thủ được dư luận để thế giới hiểu được rõ chủ trương, quan điểm của Việt Nam, đặc biệt là phát biểu mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các diễn đàn quốc tế. Chúng ta sẽ không nhân nhượng, mềm mỏng, kiềm chế như trước đây mà đã đến lúc phải bảo vệ chủ quyền của mình, không đánh đổi điều đó để lấy một thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc.

Phải chăng giờ đã đến lúc chúng ta thực hiện những biện pháp pháp lý như đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thưa ông?

- Tôi nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh pháp lý và đó cũng là một vấn đề hết sức sòng phẳng và văn minh. Tất nhiên không phải anh muốn là được ngay mà phải có công tác nghiên cứu bài bản, chuẩn bị thủ tục, lực lượng đầy đủ để theo vụ kiện tới cùng với mục đích bảo vệ chân lý, lẽ phải mà chúng ta có.

Ngoài ra cũng phải có sự đầu tư lớn không chỉ về thời gian. Tôi biết các cơ quan hữu trách của chúng ta đang tập trung nghiên cứu vấn đề này rất kỹ và sâu.

Xin cảm ơn ông!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem