Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam: Trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế

Thứ ba, ngày 06/05/2014 06:05 AM (GMT+7)
“Với việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam càng chứng minh rằng, Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn”.
Bình luận 0
“Với việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam càng chứng minh rằng, Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn”- Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn của NTNN.

Ông đánh giá như thế nào về sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam?

- Theo tôi, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam là liều lĩnh và nguy hiểm chưa từng có. Nhìn từ vụ việc này, có 3 vấn đề cần làm rõ: Thứ nhất, nơi giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc neo đậu là tại tọa độ 15029’ vĩ Bắc, 111012’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

img
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc trên biển Đông, tháng 5.2012. Ảnh: Xinhua.

Theo Công ước quốc tế về Luật Biển (Unclos) năm 1982, việc khai thác tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng biển có chủ quyền phải được sự cho phép của nước chủ nhà. Căn cứ vào quy định Luật Biển 1982, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam, là vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982. Phải khẳng định rằng, hành động nói trên của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Thứ hai, rõ ràng, kế hoạch này đã được Trung Quốc tính toán từ lâu, nhưng đây mới là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc biến lời nói thành hiện thực. Bởi lẽ, khi cả thế giới đang hướng sự tập trung vào tình hình ở Ukraine, ít quan tâm đến vùng Biển Đông thì Trung Quốc đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ này.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông còn có tác động lớn từ Mỹ. Việc vừa rồi, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo vệ đồng minh Nhật Bản về an toàn lãnh thổ trong đó có cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Sau nhiều năm úp mở, đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ công khai việc ủng hộ đồng minh trong việc tranh chấp lãnh thổ như vậy.

Điều đó cũng có nghĩa, Trung Quốc chưa thể gây hấn, làm gì liều lĩnh ở Senkaku nữa. Và một khi “lối đi” ở Senkaku chưa được mở ra thì Trung Quốc lại chuyển hướng sang Biển Đông.

Thứ ba, Việt Nam phải có phản đối rõ ràng với hành động sai trái này của Trung Quốc.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, Trung Quốc đã từng tuyên bố họ sẽ đưa giàn khoan vào Biển Đông. Ở thời điểm đó, Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối. Thưa ông, phải chăng Trung Quốc vẫn cứng rắn theo đuổi lập trường “nói là làm”, hay phản ứng của chúng ta chưa đủ mạnh?

- Theo tôi, ngoài việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối thì chúng ta cũng nên nghĩ đến việc làm công hàm, triệu hồi Đại sứ Trung Quốc để phản đối hành động nói trên. Chúng ta phải nhớ một quy luật bất biến của Trung Quốc là: “Nếu đối phương đứng vững thì Trung Quốc sẽ không lấn tới, nếu đối phương lùi bước thì lập tức Trung Quốc sẽ lấn tới”.

Họ muốn hiện thực hóa sự xâm lược của họ với quần đảo Hoàng Sa, muốn dùng quần đảo này làm khu vực tạo ra vùng biển ở thềm lục địa, vùng chồng lấn trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước như Việt Nam theo Công ước Luật Biển.

img
Vị trí giàn khoan (chấm đen vuông) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh:PVN

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ phản ứng không thôi thì chưa đủ. Theo ông, hành động cứng rắn tiếp theo của Việt Nam cần có là gì?

- Một đất nước Việt Nam trong dải hình chữ S thì nhỏ bé, nhưng sự đồng lòng của 90 triệu người dân trong nước và 5 triệu người dân đang sống ở nước ngoài là không hề bé nhỏ. Ngoài ra, Việt Nam phải thông báo cho 8 tỷ người trên thế giới biết được việc làm phi pháp của Trung Quốc. Việt Nam không kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc, nhưng chúng ta làm vì lợi ích dân tộc chính nghĩa của chúng ta.

Theo tôi, có những cấp độ xử lý vấn đề này như sau: Thứ nhất, song phương bằng đàm phán hòa bình, có thể kết hợp cả đa phương trong quan hệ hợp tác và hòa bình. Thứ hai, nhờ một bên thứ 3 làm trung gian. Thứ ba, nhờ đến các tổ chức như Liên Hợp Quốc hoặc Tòa án quốc tế can thiệp. Thứ tư là phải dùng vũ lực. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1 tức là bằng mọi cách thương thảo, trao đổi với Trung Quốc.

Theo nhận định của ông, động thái tiếp theo của Trung Quốc là gì và sự tồn tại của giàn khoan HD- 981 sẽ như thế nào?

- Trung Quốc sẽ làm gì và làm như thế nào là một phần do phản ứng của Việt Nam. Nếu Việt Nam phản đối một cách rõ ràng, kiên quyết, thì Trung Quốc chắc chắn phải xem lại. Việt Nam không đơn độc, bởi cộng đồng quốc tế bao giờ cũng đứng về lẽ phải, vì thế chúng ta phải có thái độ thẳng thắn. Còn đặt giả thiết trường hợp xấu nữa, những phương thức chúng ta đang làm chưa hiệu quả, thì Trung Quốc sẽ còn lấn tới và lấn sâu nữa, lúc đó không chỉ có giàn khoan HD-981 mà còn nhiều giàn khoan khác xuất hiện.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trịnh Hoài Nam - Chuyên gia Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Giàn khoan HD- 981 có sức chứa 150 người


Nếu chỉ xét về kỹ thuật, giàn khoan HD -981 của Trung Quốc là thế hệ mới nhất, có trị giá từ 800 - 900 triệu USD và có sức chứa khoảng 150 người. Dưới góc nhìn của một chuyên gia dầu khí, ở tọa độ mà giàn khoan HD- 981 đang neo đậu, không cần thiết phải có một giàn khoan kỹ thuật cao như vậy, nên việc Trung Quốc đưa giàn khoan này vào vùng biển của chúng ta là việc làm chưa từng có từ trước đến nay và hết sức nguy hiểm.

TS Trần Công Trục- nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Xâm lược về kinh tế


Về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam, Việt Nam nên có những bước tiến cụ thể để nhờ các cơ quan tài phán quốc tế phân xử chuyện này mặc dù thủ tục hết sức phức tạp, nhưng vẫn phải làm như Philippines đã làm. Chúng ta phải tính chứ không chờ bị động nữa.

Đây là một vụ vi phạm rất là nghiêm trọng, gọi là một cuộc xâm lược về kinh tế, về lợi ích quốc gia, sống còn của đất nước. Trung Quốc đang tiến một bước tiến mới, rất nguy hiểm, đặt một giàn khoan khổng lồ, vào vị trí nằm sâu trong vùng biển Việt Nam. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, không chỉ là vấn đề lý thuyết, giấy tờ nữa, không phải phá hoại hoạt động thăm dò, mà là một giàn khoan rất lớn.


Về pháp lý thì rõ ràng đây là giàn khoan khổng lồ cố định, ở một vị trí cụ thể với một tuyên bố cấm các tàu nước khác không được đụng đến trong vòng 1 hải lý (1,853km), chứ không phải chỉ là 500m như Luật Biển quy định (đối với các giàn khoan, các công trình thì vùng an toàn là 500m). Đây là hành động hết sức ngang nhiên, khi mà giàn khoan đó lại đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chứ không phải là nằm ở nơi khác. Hành động này như người lạ mang cái xe để trong sân nhà mình; hay người lạ vào vườn nhà mình để trồng cây để mà tranh chấp vậy. Đây là những chuyện cực kỳ vô lý.


Trong đấu tranh pháp lý, nếu như chúng ta không có động thái về mặt ngoại giao về pháp lý cụ thể, thì là sự mặc nhiên, chí ít là công nhận có vùng chồng lấn tranh chấp giữa vùng đặc quyền ở quần đảo mà họ gọi là Tây Sa với vùng đặc quyền kinh tế ven bờ lục địa của Việt Nam. Chưa kể họ còn có thể khẳng định đây là vùng biển của họ, đây là điều hết sức nguy hiểm.

P.V - Hải Phong (ghi)


Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem