"Trung Quốc là thị trường lớn, ở xa họ còn tìm đến bán, không có lý do gì Việt Nam không bán sang"

K.Nguyên Thứ tư, ngày 16/03/2022 13:21 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 16/3 liên quan đến vấn đề ùn ứ nông sản xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian tới cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi ngành hàng.
Bình luận 0

Ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc "nóng" trên nghị trường Quốc hội

Một trong những vấn đề nóng được các đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 16/3 là ùn ứ nông sản, nhất là tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, chiến lược lưu thông hàng hóa đang "bế tắc" nên mới dẫn đến vấn đề ùn ứ nông sản.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nêu một thực tế, do khó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giá thanh long ruột đỏ tại địa phương chỉ còn 2.000 đồng/kg...

"Trung Quốc là thị trường lớn, ở xa họ còn tìm đến bán, không có lý do gì Việt Nam không bán sang" - Ảnh 1.

Kiểm tra hàng nông sản tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trước khi xuất sang Trung Quốc. Ảnh: D.V

Liên quan đến vấn đề ùn ứ nông sản, nhất là tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc, tiếp nối câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, ùn ứ nông sản là câu chuyện không phải ngày một ngày hai là giải quyết được mà phải có tầm nhìn xa. 

"Với cách tổ chức sản xuất như hiện nay, không ùn ứ ở cửa khẩu thì cũng ùn ứ ở vùng nguyên liệu vì có lúc cung vượt cầu quá nhiều, sản xuất không theo tư duy thị trường. Đây cũng có một phần trách nhiệm của Bộ NNPTNT" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông sản không như sản phẩm công nghiệp, khi thị trường tắc thì cho vào kho, còn nông sản sau thời gian nuôi trồng là thu hoạch nhưng với quy mô manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, việc dự báo thị trường rất khó. 

"Có một chuyên gia nói với tôi phải phân biệt 2 từ sản phẩm và thương phẩm. Nông dân tạo ra sản phẩm là trái thanh long, trái xoài nhưng sản phẩm đó muốn thành thương phẩm thì phải tạo ra giá trị lớn, sức cạnh tranh của sản phẩm. Muốn có được một thương phẩm đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không phải là câu chuyện của Bộ NNPTNT hay Bộ Công Thương) - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về sự thành công của Bắc Giang, Sơn La trong xây dựng thương hiệu nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu để xảy ra ùn ứ thì mới đi tìm kiếm thị trường, trong khi chưa minh bạch về chất lượng thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, gom các đầu mối lại; tổ chức lại ngành hàng, không thể ở đâu cũng trồng sầu riêng, mít Thái, phải đưa vào quỹ đạo, thành lập liên minh chứ không tư duy mùa vụ.

Trung Quốc là thị trường lớn, nước ở rất xa họ còn tìm đến bán, sao ta không làm?

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi nói về thị trường Trung Quốc và vấn đề ùn ứ nông sản thời gian qua tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. 

"Trung Quốc là thị trường lớn, ở xa họ còn tìm đến bán, không có lý do gì Việt Nam không bán sang" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói về thị trường Trung Quốc và vấn đề ùn ứ nông sản thời gian qua tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3.

"Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Những nước rất xa vẫn tìm Trung Quốc để bán hàng và ta không có lý do gì để không bán hàng", ông Diên nêu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn hàng hóa cho nên người sản xuất phải tuân thủ quy định này.

Lãnh đạo Bộ Công thương khuyến cáo các ngành sản xuất nói chung, đặc biệt nông nghiệp, nông sản, thực phẩm đều phải cố gắng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn và tiêu chuẩn ấy phải sát từng thị trường.

"Sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn, thị hiếu trong nước sau đó đáp ứng yêu cầu thị trường nước ngoài thì sẽ tranh thủ được thị trường. Các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội nhiều nhưng hàng không đi được là do chúng ta. Rõ ràng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thay vì đổ lỗi cho nhau hãy quay về tự xem trách nhiệm của mình đến đâu thì làm đến đấy", ông Diên nói thêm.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhu cầu trái cây nhiệt đới của thị trường thế giới là rất lớn, đặc biệt tại các nước ôn đới, Việt Nam cũng đã tham gia 16 - 17 hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội để mở rộng xuất khẩu.

Cũng theo ông Diên, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thống nhất quan điểm là trao đổi với Trung Quốc để xây dựng quy trình thông quan, vùng xanh cho hàng hóa ở biên giới.

Đồng thời chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu hỗ trợ các chủ vận tải, thông tin thường xuyên với những địa phương có sản phẩm để hợp tác tốt khi cửa khẩu phía bạn không mở, không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem