Việt Nam muốn thu 20 tỷ USD nhờ bán một sản phẩm thế mạnh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua nhiều nhất

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 11/03/2022 12:46 PM (GMT+7)
Theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20 tỷ USD, đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Bình luận 0

Mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2025 đạt 20 tỷ USD

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể, Đề án hướng đến mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD.

100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Việt Nam muốn thu 20 tỷ USD nhờ bán một sản phẩm thế mạnh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua nhiều nhất - Ảnh 1.

Theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20 tỷ USD. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Hoàng Thông. Ảnh: P.V

Để thực hiện được mục tiêu này, trong 5 năm tới sẽ hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.

Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu, thân thiện với môi trường.

Đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển các nguyên liệu phụ trợ keo dán gỗ, các chất sơn phủ, trang trí bề mặt thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics.

Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm chính sau: Nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất; nhóm sản phẩm đồ gỗ ngoài trời; nhóm sản phẩm gỗ ván nhân tạo; nhóm sản phẩm gỗ kết hợp với các loại vật liệu khác; nhóm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ; nhóm sản phẩm viên nén gỗ, dăm gỗ.

Đề án cũng yêu cầu tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế.

Xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt”, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu “Gỗ Việt”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thông tin thương mại, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu chính, gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng theo các nhóm sản phẩm gỗ và tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm gỗ Việt.

Tổ chức nghiên cứu thị trường trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng đồ gỗ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, thói quen mua sắm của người Việt; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm gỗ Việt đến người tiêu dùng.

Đáp ứng 80% nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu gỗ

Cũng trong đề án, các giải pháp được Chính phủ đưa ra để thực hiện tốt đề án là hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; chính sách liên kết trồng rừng, chế biến gỗ theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam muốn thu 20 tỷ USD nhờ bán một sản phẩm thế mạnh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua nhiều nhất - Ảnh 2.

Đề án cũng hướng đến mục tiêu phát triển diện tích rừng trồng, đáp ứng 80% nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu gỗ. Trong ảnh: Một vườn ươm giống cây lâm nghiệp ở Phú Thọ. Ảnh: P.V

Xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam thực thi Hiệp định VPA/FLEGT và Luật Lâm nghiệp; rà soát, hoàn thiện các quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với các cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Ứng dụng công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa trong chế biến, bảo quản gỗ, công nghệ sản xuất sử dụng phế liệu, phụ phẩm lâm nghiệp, công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.

Ứng dụng hệ thống quản lý điều hành sản xuất kinh doanh bằng các phần mềm quản lý tiên tiến, tiết kiệm nhân công; công nghệ mới về thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ, tạo ra các loại sản phẩm gỗ có chất lượng đồng đều và tăng lợi thế cạnh tranh.

Thực hiện công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý, giám sát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo 95% diện tích rừng được trồng bằng giống tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hồ sơ quản lý giống.

Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng, hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025 và 1,0 triệu ha vào năm 2030.

Thực hiện có hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và gần 1,0 triệu ha cao su, trong đó có diện tích cây cao su thanh lý từ 25.000 - 30.000 ha/năm để cung cấp gỗ lớn, góp phần đưa sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 27 triệu mét khối vào năm 2025 và trên 35 triệu mét khối vào năm 2030; sản lượng khai thác gỗ từ cây trồng phân tán, gỗ cây cao su đạt từ 7 - 8 triệu mét khối/năm, phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nguyên liệu gỗ cho sản xuất, chế biến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem