Trung Quốc lockdown vì dịch bùng phát "tồi tệ": Ngành hàng xuất khẩu nào của Việt Nam sẽ bị "vạ lây"?

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 26/03/2022 09:34 AM (GMT+7)
Hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 10,5 tỷ USD. Việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này...
Bình luận 0

2 tháng, nhập siêu từ Trung Quốc 10,5 tỷ USD

Tại Trung Quốc, kể từ đầu tháng 3, nhiều địa phương ở Trung Quốc xuất hiện ổ dịch Covid-19 với số ca mắc lớn, tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát.

Hiện, quốc gia này đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi thực hiện chiến lược "Zero Covid", các ca nhiễm liên tục gia tăng khiến quốc gia này phải thực hiện nhiều biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt. Trong đó có nhiều tỉnh/thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022. Quốc gia này cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc lockdown vì dịch bùng phát "tồi tệ": Ngành nào của Việt Nam sẽ bị "vạ lây"? - Ảnh 1.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2021, hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, xuất siêu 4 tỷ USD bất chấp khó khăn của đại dịch.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Do đó, việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay cụ thể hơn là các hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Trung Quốc lockdown vì dịch bùng phát "tồi tệ": Ngành nào của Việt Nam sẽ bị "vạ lây"? - Ảnh 2.

Ngành nào chịu tác động khi Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn

Đánh giá chi tiết hơn về ảnh hưởng của tình trạng phong tỏa tại Trung Quốc tới các ngành nghề Việt Nam, báo cáo mới cập nhật từ Chứng khoán BSC cho biết, chiến dịch "Zero Covid" tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nhóm thủy sản và cảng biển.

Đối với ngành cảng biển, BSC cho rằng Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, chiếm đến 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 33% kim ngạch nhập khẩu).

Vì vậy việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại… sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương giữa hai nước, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam.

Tuy nhiên, tác động sẽ tiêu cực hơn đối với nhóm doanh nghiệp cảng miền Bắc vì tỷ trọng lớn sản lượng thông qua cảng là phục vụ các tuyến từ/đến các cảng trung chuyến Trung Quốc thay vì phục vụ hàng hóa đi Mỹ, châu Âu như ở miền Nam.

Vì thế, các doanh nghiệp như GMD, VSC, PHP sẽ là các đơn vị chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp.

Trung Quốc lockdown vì dịch bùng phát "tồi tệ": Ngành nào của Việt Nam sẽ bị "vạ lây"? - Ảnh 3.

Đối với ngành thủy sản, BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ.

Do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 977 triệu USD kim ngạch thủy sản sang Trung Quốc, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã có những tín hiệu hồi phục tích cực từ tháng 1 và tiếp tục tăng mạnh 135% trong tháng 2 đạt 91 triệu USD. Hai tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng cho thấy, ngành thép cũng sẽ chịu những tác động từ động thái lockdown của Trung Quốc, tuy nhiên những tác động này trong ngắn hạn và không lớn.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan BSC cho biết trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1.66 tỷ USD sắt, thép vào Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phôi thép và thép xây dựng.

Trong ngắn hạn, ảnh hưởng hạn chế do các nhà máy tại Trung Quốc vẫn sản xuất, nhưng tồn kho tại đây sẽ gia tăng, khiến nhu cầu nhập khẩu thép giảm. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng, nhưng tác động đối với từng doanh nghiệp không lớn do đa dạng thị trường xuất khẩu.

Lâu dài, giá thép có thể giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chậm lại. Bên cạnh đó, dư địa tăng thị phần có nhưng tương đối hạn chế kể từ khi Trung Quốc quyết định cắt giảm công suất tại các nhà máy công nghệ lạc hậu và do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu thép tăng mạnh để bù đắp lượng thiếu hụt.

Trung Quốc hầu như tập trung xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao, dùng trong công nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng. Ở phân khúc này, lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam không lớn.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ việc cắt giảm công suất của Trung Quốc nhiều hơn ảnh hưởng của việc lockdown lần này.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đợt phong tỏa lần này có thể chỉ trong ngắn hạn (Reuters dự báo đỉnh dịch sẽ đến trong tháng 4 này), và nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ cao trong năm nay do Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, và tuyên bố sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản nước này. Do đó, BSC vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng xuất khẩu thép sang Trung Quốc trong năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem