Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand đồng loạt mở cửa cho nhiều loại trái cây của Việt Nam

Thiên Hương Thứ tư, ngày 16/11/2022 18:24 PM (GMT+7)
Bưởi và chanh là 2 loại trái cây thứ 4 và thứ 5 của Việt Nam được xuất khẩu sang New Zealand sau xoài, thanh long và chôm chôm. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đã thông báo Nhật Bản sẽ chính thức công bố việc nước này mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam trong tháng 11/2022.
Bình luận 0

Cơ hội mới cho trái cây Việt Nam

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, đại diện Việt Nam và New Zealand đã ký kết mở cửa thị trường xuất khẩu chanh và bưởi của Việt Nam sang New Zealand. 

Tại sự kiện, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chia sẻ: "Nông nghiệp không chỉ là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế mà còn là một phần bản sắc văn hóa của cả 2 quốc gia. Ở New Zealand, nông dân là nhân tố then chốt của nền kinh tế. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nông nghiệp là nền tảng của mối quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 45 năm".

Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh, ngành nông nghiệp của hai nước đang đi đầu trong xu hướng định hình tương lai của ngành sản xuất lương thực. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc lịch sử trong mối quan hệ hiệu quả và cùng có lợi.

Đột phá trong xuất khẩu bưởi, chanh, nhãn * New Zealand nhập bưởi và chanh; Nhật Bản nhập nhãn   Việt Nam - Ảnh 1.

Nông dân thị xã Sông Xoài (Bà Rịa Vũng Tàu) chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh: B.B.R

Theo Bộ NNPTNT, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu rau, quả sang nhiều thị trường cao cấp tăng mạnh, như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…, đặc biệt có thị trường tăng tới 100%.

Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Hợp tác về nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand. Kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản hai nước năm 2021 đạt gần 550 triệu USD, chiếm tỷ trọng 41% tổng kim ngạch thương mại song phương. Hai bên đã ký thoả thuận về tạo thuận lợi cho thông quan sản phẩm nông, lâm, thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử vào tháng 7/2020.

Hiện tại, các nhóm công tác của hai nước đang tiến hành các bước triển khai thử nghiệm hệ thống chứng nhận điện tử; thúc đẩy thủ tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), để xuất khẩu sang New Zealand, quả chanh và bưởi phải đáp ứng các yêu cầu về vùng trồng và cơ sở đóng gói được đăng ký mã số với Cục Bảo vệ thực vật và Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho phía New Zealand. 

Vườn trồng được quản lý dịch hại; trái cây được rửa và chải sau khi thu hoạch. Trái không nhiễm đối tượng sinh vật gây hại phía New Zealand quan tâm…

Hàng loạt trái cây chủ lực được xuất khẩu chính ngạch

Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã triển khai nhiều chương trình nhằm đưa các loại trái cây, nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường cao cấp. Mới đây, trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Kishida thông báo Nhật Bản sẽ chính thức công bố việc mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam trong tháng 11.

Trước đó, vào tháng 10/2022, lô hàng bưởi tươi đầu tiên của Việt Nam đã lên đường xuất khẩu sang Mỹ. Đây là loại trái cây thứ 7 xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này (sau thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vú sữa, vải). Cục Bảo vệ thực vật cũng đã nộp hồ sơ để xúc tiến xuất khẩu thêm 2 loại trái cây sang Mỹ là chanh dây và dừa.

Trong tháng 7, một thành công lớn của ngành trái cây Việt Nam là đã ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, sau gần 4 năm đàm phán.

Và vừa qua, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng và bưởi là hai loại trái cây có lợi thế của Việt Nam, khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và Mỹ sẽ thu về giá trị kinh tế rất cao. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là hai thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn nên về lâu dài, đây chính là những mặt hàng mũi nhọn để gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng trái cây nói riêng và rau quả nói chung.

Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi và sầu riêng về các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc; thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng để bảo đảm chất lượng các lô hàng xuất khẩu…

Theo Bộ NNPTNT, để đa dạng hoá thị trường cho nông sản Việt Nam, tới đây Bộ sẽ tăng cường phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước nhằm xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói và kho lạnh có quy mô, trang thiết bị phù hợp đặc tính từng loại rau, quả; có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm chiếu xạ thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem