Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: Nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD; nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.
Thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023, với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định, Trung Quốc đã xóa bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch đối với người và hàng hóa xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu từ ngày 08/01/2023, nền kinh tế Trung Quốc cho thấy sự phục hồi ngay từ quý I khi đạt mức tăng trưởng 4,5%, cao hơn đáng kể hầu hết các dự báo trước đó của các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới (chỉ 4%).
Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao.
Tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, lượng hàng hóa thông quan hàng ngày cơ bản tương đương với giai đoạn trước dịch. Những yếu tố thuận lợi nêu trên dự kiến sẽ có tác động tích cực vào sự khôi phục trong hoạt động xuất khẩu và kể cả nhập khẩu của Việt Nam từ quý II cho đến cuối năm.
Đáng chú ý, theo ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, trong tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”, trong đó có việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.
Từ những quy định mới trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc, ông Lương Văn Tài khuyến cáo các doanh nghiệp ngành rau quả nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.
Đối với doanh nghiệp thủy sản, cần chủ động trong việc đăng ký gia hạn xuất khẩu trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER), tránh đăng ký gia hạn vào gần thời điểm hết hạn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần làm tốt công tác quản lý vùng trồng, đặc biệt là kiểm soát sinh vật gây hại trên sản phẩm.
Bà Triệu Thúy Nga – Trưởng đại diện, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh – cho biết, tháng 3/2023, cửa khẩu Quả Viên Cảng thành phố Trùng Khánh đã được nghiệm thu đủ điều kiện về kho bãi giám sát quản lý chỉ định nhập khẩu lương thực.
Đây là cửa khẩu đầu mối kết nối 3 loại hình vận tải đường thủy, đường sắt và đường bộ trong đó, Quả Viên Cảng đã kết nối với tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội (Việt Nam) đến Trùng Khánh (qua cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường) và ngược lại; thời gian vận chuyển chỉ khoảng 4-5 ngày.
“Cửa khẩu Quả Viên cảng được phê duyệt là cửa khẩu chỉ định nhập khẩu lương thực là điều kiện thuận lợi nếu doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam đến cửa khẩu Quả Viên Cảng, vừa giảm giá thành vận tải, tiết kiệm thời gian và nhân lực vừa an toàn, hiệu quả”- bà Triệu Thúy Nga thông tin.
Đáng chú ý, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam còn có thể đến Trùng Khánh và kết nối với chuyến tàu liên vận Trung Quốc – Châu Âu, từ Trùng Khánh đi Châu Âu (qua Kazakhstan, Nga, Bealrus, Ba Lan, Đức và từ Đức tỏa đi các nước châu Âu khác), thời gian khoảng 20-25 ngày (tuần 2 chuyến).
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận.
“Chúng ta cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ và thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay thì chúng ta mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại”- Bộ trưởng đề nghị và nhấn mạnh: "Nếu chúng ta đánh giá đúng, trúng và khai thác được tiềm năng, lợi thế trong quan hệ thương mại giữa hai nước thì góp phần làm cho hai nền kinh tế tiếp tục bổ trợ cho nhau để phát triển bền vững. Mặt khác hợp tác thương mại sẽ thúc đẩy hợp tác đầu tư, Trung Quốc có thể tận dụng, khai thác được lợi thế của Việt Nam trong khi Việt Nam là thành viên đầy đủ của 16 FTA và sẽ còn nhiều hơn trong tương lai, với những ưu đãi đặc biệt. Khi đó, doanh nghiệp 2 nước đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có nhiều tiềm năng, lợi thế để có xuất xứ hàng hóa, ưu đãi về thuế đối với thị trường đông dân này”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.