Trung Quốc trực tiếp kiểm tra gạo xuất khẩu Việt Nam

Thuận Hải Thứ năm, ngày 09/06/2016 08:48 AM (GMT+7)
Tới đây, Trung Quốc sẽ cử đoàn sang kiểm tra, giám sát từ vùng trồng, nhà máy chế biến đến khâu khử trùng mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường này cũng phải đăng ký và chờ phía Trung Quốc chấp nhận.
Bình luận 0

Thông tin quy định trong Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu gạo, cám Việt Nam (VN) sang thị trường Trung Quốc vừa được Bộ NNPTNT công bố. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra phấn khởi với thông tin này.

“Cấm cửa” gạo nhiễm sinh vật gây hại

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV-Bộ NNPTNT) cho biết, sau một thời gian dài sửa đổi, bổ sung, ngày 30.5 vừa qua, Cục BVTV và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã ký kết thỏa thuận về kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng gạo VN xuất khẩu sang Trung Quốc. Nghị định thư này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo đó, các lô gạo xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật, không nhiễm 9 đối tượng sinh vật gây hại như mối, mọt, sâu bệnh, vi sinh vật, khuẩn, đất đá, các loại kim loại nặng…

Ngoài ra, sản phẩm trước khi xuất khẩu phải được xông hơi, khử trùng để đảm bảo không còn các vi sinh vật gây hại. Trên thực tế, Nghị định thư này đã được ký kết từ năm 2004, tuy nhiên, do một số thay đổi trong hoạt động khử trùng, kiểm dịch gạo tại VN nên hai bên đã có những sửa đổi, bổ sung mới. Phía Cục BVTV đã lên danh sách 9 đơn vị khử trùng để phía Trung Quốc xem xét, chấp thuận thay vì chỉ 1 đơn vị và đã được cổ phần hóa như trước đây.

img

 Trung Quốc sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát gạo Việt Nam nhập khẩu chính ngạch
vào thị trường này.  Ảnh: T.H

Bên cạnh mặt hàng gạo, VN cũng đã ký kết được Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng cám gạo xuất khẩu sang Trung Quốc. Qua đó, tạo hành lang pháp lý cho VN xuất khẩu chính ngạch phụ phẩm cám gạo, gia tăng giá trị cho chuỗi lúa gạo.

Nhận định về Nghị định thư này, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, đây là yêu cầu chung trong thương mại quốc tế giữa các nước. Tuy nhiên, thông thường, Trung Quốc chỉ ký các nghị định thư với một nhóm nước như ASEAN hoặc EU. Một số nước lớn như Mỹ cũng phải đấu tranh gần chục năm qua, mãi đến đầu năm nay mới có được thỏa thuận về kiểm dịch thực vật với Trung Quốc.

Giảm rủi ro, chi phí kiểm dịch

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng gạo xuất khẩu giữa VN và Trung Quốc giúp doanh nghiệp trong nước tránh được nhiều rủi ro, giảm chi phí giá thành khi xuất khẩu vào thị trường này.

Một điểm mới rất có lợi cho doanh nghiệp VN là thay vì thực hiện các khâu kiểm dịch thực vật gạo VN tại Trung Quốc thì tới đây, phía Trung Quốc chấp nhận việc giám sát các khâu kiểm dịch, khử trùng ngay tại VN, trước khi doanh nghiệp xuất gạo đi.

Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty TNHH Trung An cho rằng, với thỏa thuận này, doanh nghiệp trong nước sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro khi phải xuất gạo sang tới nước bạn rồi mới thực hiện các công đoạn kiểm dịch, khử trùng. Trong trường hợp sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, doanh nghiệp cũng đỡ tốn các chi phí vận chuyển khi bị trả hàng về.

Phía Cục BVTV thông tin, thời gian qua, đã có 66 lô hàng gạo VN bị phía Trung Quốc cảnh báo không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng như nhiễm trùng, mốc. Tuy nhiên, do hai bên đang trong quá trình thảo luận, chỉnh sửa các điều khoản của Nghị định thư nên phía nhà nhập khẩu “cho qua”. “Ban đầu, phía Trung Quốc yêu cầu ngừng nhập khẩu ngay lập tức nếu họ phát hiện lô hàng gạo VN vi phạm, tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, Cục BVTV đã yêu cầu Trung Quốc báo cho cơ quan chức năng VN để kịp thời xử lý khi có vi phạm, đồng thời, vẫn giữ ổn định việc xuất nhập khẩu”- ông Trung cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Thọ - Phó Giám đốc kinh doanh ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời cho biết, chi phí kiểm dịch, khử trùng gạo hiện chỉ khoảng 25USD/tấn, tuy nhiên, trong tình hình cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà xuất khẩu như hiện nay, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu.

  VFA cho biết, hiện Trung Quốc là thị trường nhập gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch. Nếu tính thêm lượng gạo xuất tiểu ngạch qua biên giới (khoảng gần 2 triệu tấn mỗi năm) thì có thể chiếm trên 50%. Gạo tiểu ngạch bị phía Trung Quốc xếp vào dạng hàng lậu nên họ đang tìm cách kiểm soát để giảm lượng hàng này.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, đối với thị trường Trung Quốc, việc “rõ ràng, minh bạch”, tuân thủ các thông tư, nghị định đã ký giữa hai bên càng quan trọng, giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Hiện tại, Cục BVTV đã yêu cầu VFA lên danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Trung Quốc để trình AQSIQ. Nước này cũng đã sẵn sàng kế hoạch sang VN kiểm tra, giám sát các công đoạn cần thiết.

Về vấn đề này, ông Huệ cho rằng, về nguyên tắc, tất cả 131 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương đề đủ điều kiện xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Tuy nhiên, VFA sẽ ưu tiên cho khoảng 30 - 40 đơn vị đang xuất hàng sang Trung Quốc với số lượng lớn, có cơ sở vật chất tốt, uy tín… để đạt các yêu cầu đặt ra, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem