Cả EU lẫn Trung Quốc đều coi cuộc gặp cấp cao thường niên lần thứ 21 năm nay là thành công. Chủ tịch Uỷ ban EU Jean-Claude Juncker thậm chí còn coi kết quả của sự kiện là "bước khai thông đột phá". Nhìn vào bề ngoài thì có thể cảm nhận dễ dàng đồng tình với biểu lộ như thế của hai bên. Chẳng gì thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đều công du châu Âu. Cuộc gặp cấp cao song phương năm nay lại kết thúc với tuyên bố chung chứ không đến nỗi không có được tuyên bố chung như năm ngoái. Cứ theo những nội dung trong tuyên bố chung được ông Lý Khắc Cường, ông Jucker và chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cùng ký kết thì bên nào cũng nhượng bộ và được nhượng bộ. Có đi có lại như thế nên được toại lòng nhau thì đâu có gì là lạ.
Phía EU không làm ầm ĩ chuyện dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc như thông lệ. Phía EU cũng chẳng coi Trung Quốc là "địch thủ hệ thống" như trong văn kiện chiến lược đối với Trung Quốc được đưa ra trước đó. EU đồng thời còn không cản phá Trung Quốc thực hiện sáng kiến về Một vành đai, một con đường như trước nữa mà trao đổi với Trung Quốc về gắn kết kế hoạch này của Trung Quốc với dự án kết nối châu Âu với châu Á của EU.
Trung Quốc cũng nhượng bộ cho EU đúng cái mà EU hiện muốn có được nhất là cam kết mở cửa thị trường Trung Quốc hơn nữa cho doanh nghiệp của EU và không bắt buộc doanh nghiệp EU phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng còn hứa với EU là ngay trong năm nay thôi và nếu được thì thậm chí còn sớm nhất sẽ ký kết với EU hiệp ước về bảo hộ đầu tư.
Mỹ từ lâu nay rồi cũng đòi Trung Quốc nhượng bộ như thế nhưng Trung Quốc mới chỉ đang đàm phán với Mỹ chứ đâu đã đạt được thoả thuận cuối cùng. EU đã nắm chắc được trong tay là trên phương diện này Trung Quốc nếu có nhượng bộ Mỹ thì cũng không thể nhiều hơn, sâu hơn và xa hơn so với đã nhượng bộ cho EU. EU và Trung Quốc cũng còn nhất trí cùng nhau phối hợp hành động và thống nhất quan điểm để cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Như thế đủ để có thể nói là cả hai bên đã "cầu được ước thấy" ở cuộc gặp cấp cao năm nay.
Trong thực chất thì kết quả của sự kiện không hẳn được đến mức như vậy. Không nhượng bộ cho EU thì đằng nào Trung Quốc cũng sẽ phải có cải cách và điều chỉnh chính sách vì chỉ như thế mới xử lý được ổn thoả cuộc xung khắc thương mại với Mỹ và tránh leo thang mức độ quyết liệt trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại kỳ họp quốc hội vừa rồi, Trung Quốc đã quyết định một số cải cách thể chế và kinh tế nên cái gọi là nhượng bộ cho EU kia thật ra đâu có gì mới. Hơn nữa, thoả thuận là một chuyện còn việc thực hiện nó lại là chuyện khác thuộc về sau này.
Không phải hai bên không biết những điều ấy. Họ đã quá hiểu nhau rồi. Nhưng cả hai vẫn đều tung hô kết quả trên là thành công lớn bởi cả hai hiện có nhu cầu hoà hoãn với nhau cấp thiết hơn là nhu cầu đối phó và ganh đua với nhau. Họ chấp nhận giải pháp tình thế tạm thời để Mỹ không thể phân hoá và chia rẽ nội bộ họ. Để đối phó với việc cùng bị Mỹ gây xung khắc thương mại, họ phải liên minh với nhau, phải dựa vào nhau, phải thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong ứng phó và đáp trả Mỹ, trong cải tổ WTO, trong thúc đẩy tự do hoá mậu dịch và chủ nghĩa đa phương trên phạm vi toàn cầu. Chừng nào còn chưa kết thúc ổn thoả đàm phán thương mại với Mỹ, chừng đấy Trung Quốc còn phải tranh thủ EU.
Nếu muốn tiếp tục lôi kéo các thành viên EU tham gia dự án Một vành đai, một con đường thì Trung Quốc phải hoà hoãn với EU chứ không thể đối địch EU. Sách lược của Trung Quốc là vừa hợp tác với EU vừa phân hoá nội bộ EU. EU sắp tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ và đang bị Mỹ doạ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với sản phẩm của hãng Airbus và thực phẩm trị giá 11 tỷ USD nên càng phải tranh thủ và lôi kéo Trung Quốc về phía mình. Sau khi chuyện này ngã ngũ rồi thì EU mới sẽ tính lại đối sách đối với Trung Quốc theo cả cách riêng lẫn đồng hành cùng Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.