Thu tới 8 tỷ USD, ngành này vẫn đau đầu vì chủ yếu xuất thô sang Trung Quốc
Thu tới 8 tỷ USD, ngành này vẫn đau đầu vì chủ yếu xuất thô sang Trung Quốc
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 01/05/2021 07:00 AM (GMT+7)
Giá cao su đang trên đà phục hồi bắt đầu từ giữa năm 2020 do Trung Quốc tăng mua đã giúp nhiều doanh nghiệp thu lãi khủng ngay trong quý đầu của năm 2021, có doanh nghiệp báo lãi tăng tới 261% so với cùng kỳ năm 2020.
Cập nhật giá cao su hôm nay, hàng loạt doanh nghiệp báo lãi khủng
Theo khảo sát, giá cao su hôm nay 1/5 ở Bình Phước dao động trong khoảng 315 – 325 đồng/độ mủ.
Cụ thể, giá cao su ở Bình Long (Bình Phước) dao động từ 315 – 325 đồng/độ mủ. Giá cao su Phú Riềng – Bình Phước từ 315 – 325 đồng/độ mủ. Giá cao su Đồng Phú – Bình Phước dao động từ 315 – 325 đồng/độ mủ.
Tại Bình Dương, giá cao su hôm nay 1/5 cũng trong khoảng 315 - 325 đồng/độ mủ.
Giá cao su Tây Ninh được thu mua bởi các tiểu thương duy trì quanh mức 315 – 325 đồng/độ mủ.
Do diện tích cao su tư nhân ở tỉnh Tây Ninh rất lớn nên giá cao su tiểu điền ở đây rất được quan tâm.
Giá cao su tăng liên tiếp trong 9 tháng kể từ giữa năm 2020 đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su hoạt động ổn định và báo lãi "khủng".
Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý I/2021, Công ty CP Cao su Tây Ninh cho biết, doanh thu và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Theo đó doanh thu thuần của Công ty CP Cao su Tây Ninh trong kỳ đạt hơn 100 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận sau thuế ngay quý đầu năm 2021 đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.
Năm 2021, Công ty đặt ra mục tiêu 301,4 tỷ đồng doanh thu và 48,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, Công ty CP Cao su Tây Ninh đã hoàn thành gần một nửa mục tiêu lãi sau quý I/2021.
Quý I/2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty CP Đầu tư cao su Đăk Lăk đạt 124,5 tỷ đồng, tăng 137,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 21,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 8,3 tỷ đồng.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - GVR vừa công bố báo cáo quý I với doanh thu thuần tăng 80% lên 4.950 tỷ đồng. GVR báo lãi trong quý 1 đạt 1.216 tỷ đồng, tăng 261% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su tăng nhưng vẫn lo ngại xuất thô
Hiện, các mặt hàng đầu ra của ngành cao su gồm: cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su và các mặt hàng được làm từ loại gỗ này.
Năm 2020, giá trị xuất khẩu của ba nhóm mặt hàng này đạt gần 7,9 tỷ USD, cụ thể, giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 2,38 tỷ USD (30,3%), các mặt hàng từ gỗ cao su đạt 2,36 tỷ USD (30,1%), và nhóm sản phẩm cao su đạt trên 3,11 tỷ USD.
Cao su thiên nhiên từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu tới trên 80 nước. Các sản phẩm cao su sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 170 thị trường.
Tuy nhiên, trong báo cáo do Tổ chức Forest Trends phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam và Hiệp hội Cao su Việt Nam thực hiện mới đây nêu rõ, mặc dù giá trị xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao ngày càng tăng nhưng giá trị xuất khẩu các nguyên liệu thô là cao su thiên nhiên vẫn lớn, chiếm gần 1/3 trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.
Hiện chưa có tín hiệu cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ giảm trong tương lai.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên chủ yếu của Việt Nam. Nhu cầu từ Trung Quốc đối với nhóm mặt hàng này có xu hướng mở rộng.
Mặc dù các sản phẩm của ngành cao su, đặc biệt là cao su thiên nhiên, chủ yếu được tiêu thụ tại Trung Quốc – thị trường hiện không có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng và tính hợp pháp cũng như nguồn gốc, nhiều tín hiệu gần đây cho thấy yêu cầu của các thị trường xuất khẩu đang và tiếp tục thay đổi nhanh trong tương lai, ngay cả thị trường Trung Quốc.
Nhằm tuân thủ luật pháp của quốc gia và tại các nước đầu tư, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn trong đó đưa ra các quy định hạn chế các dự án đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài sử dụng công nghệ lạc hậu và các dự án vi phạm về môi trường, sử dụng năng lượng và an toàn.
Bên cạnh đó, các yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc về các khía cạnh môi trường và xã hội đối với các sản phẩm nhập khẩu vào quốc gia này ngày càng chặt chẽ hơn.
Ở các thị trường khó tính hơn, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn cả từ khía cạnh quản lý và thị trường.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn của FSC, bởi tiêu chuẩn này được nhiều thị trường và khách hàng chấp nhận, có thể đem giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm, trong khi đáp ứng tốt nhất với các yêu cầu về môi trường và xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.