Trung tâm dạy nghề “chen vai thích cánh”

Thứ tư, ngày 25/08/2010 15:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cả nước hiện có hơn 1.700 trung tâm dạy nghề cấp huyện và các cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp và làng nghề. Nếu tính theo “mật độ” thì tại nhiều vùng nông thôn, các trung tâm dạy nghề đang chen vai thích cánh...
Bình luận 0
img
Một buổi học hái chè tại xã Cây Thị (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) tiếng là miền núi xa xôi nhưng nằm sát vách TP. Thái Nguyên... Thế nhưng, Đồng Hỷ vẫn là huyện được đầu tư trọng điểm dạy nghề theo Quyết định 1956.

Theo đó, trung tâm dạy nghề huyện Đồng Hỷ sẽ đóng vài trò “đầu tàu” trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn trong khu vực. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 2ha gần TP. Thái Nguyên, nhìn bề ngoài khang trang nhưng bên trong thiếu khá nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho việc học và hành.

Toàn trung tâm có 4 phòng học cho các nghề may công nghiệp, chế biến chè, hàn, điện dân dụng. Đội ngũ quản lý, giáo viên có 14 người, trong đó chỉ có 4 người được biên chế. Để đáp ứng nhu cầu dạy nghề hàng năm trung tâm phải hợp đồng, thuê gần 40 giáo viên thỉnh giảng.

Trước cổng trung tâm dạy nghề Đồng Hỷ, chúng tôi gặp ông Vũ Văn Nhân (xã Cây Thị) đến hỏi thông tin học nghề cho con trai. Khi được biết trung tâm dạy nghề chỉ đào tạo các nghề may, chế biến chè... ông lắc đầu ngao ngán: “Gia đình tôi định cho cháu học nghề sửa chữa điện thoại di động. Học mấy nghề kia ra khó có việc làm lắm”.

img Tới hết tháng 5-2010, cả nước đã có 2.052 cơ sở dạy nghề, trong đó có 55 trường cao đẳng, 242 trường trung cấp, 632 trung tâm và 1.123 cơ sở giáo dục, dạy nghề tại doanh nghiệp và các làng nghề. Trong 1.123 cơ sở có 789 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, hàng trăm cơ sở dạy nghề không chính thức như các cơ sở dạy nghề truyền thống hoặc các trung tâm học tập cộng đồng. Dù trung tâm dạy nghề ở cấp tỉnh hay cấp huyện thì điều quan trọng là phải dạy nghề hiệu quả. Nông dân chúng tôi sẵn sàng học nghề nhưng nghề đó phải thật sự giúp chúng tôi xoá được nghèo, làm ăn khấm khá. img

 Anh Lường Văn Ơn ở bản Củ, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La)

Cũng theo ông Nhân: “trung tâm dạy nghề dạy miễn phí thì nông dân còn theo học, chứ nếu mất tiền, chúng tôi lên thành phố học cho tốt”. Thực tế, 3 năm qua, trung tâm dạy nghề Đồng Hỷ đã đào tạo cho gần 3.000 lao động nhưng 100% là đào tạo miễn phí, riêng lao động diện chính sách, lao động nghèo còn được hỗ trợ thêm tiền ăn uống, đi lại.

Ông Nguyễn Bá Định - Giám đốc trung tâm trăn trở: “Do trung tâm cách thành phố không xa, chưa đầy 1km, trong khi lại cách xa trung tâm huyện nên không thuận lợi cho lao động đến học tập. Hơn nữa, gần trung tâm tôi cũng có nhiều trường trung cấp nghề, cơ sở dạy nghề nên lao động lên thẳng các nơi đó để học. Và hiện nay, trung tâm đang đứng trước sức ép vì số lượng lao động đăng ký học giảm dần”.

Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Hỷ vẫn thường xuyên dạy nghề lưu động tại xã cho nông dân các nghề như chăn nuôi thú y, trồng cây lâm nghiệp... Tuy nhiên, cách làm này cũng được áp dụng với nhiều đợn vị tổ chức dạy nghề trên địa bàn. Cách trung tâm dạy nghề huyện Đồng Hỷ không xa là trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh).

Trong 6 tháng đầu năm 2010, Hội Nông dân Thái Nguyên đã mở được 17 lớp dạy nghề theo nhu cầu, trong đó có 10 lớp chăn nuôi thú y, 3 lớp chế biến chè an toàn và 4 lớp trồng trọt. Các lớp học cũng được mở ngay tại xã. Trong đó có những xã thuộc địa bàn huyện Đồng Hỷ. Ngoài ra, huyện còn tiếp nhận một số lớp dạy nghề miễn phí theo Chương trình khuyến công. Tuy không trùng địa điểm, nhưng việc nhiều trung tâm cùng tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí cũng khiến học viên bị... san sẻ và gây ra những lãng phí không cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem