Đêm hội 15 phút rước đèn
Ngày 13.8 âm lịch (10.9), theo chân đoàn công tác của Hội Nông dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đi tặng quà Tết Trung thu tại Trường Tiểu học và THCS Xỉn Cái, huyện Mèo Vạc, chúng tôi mới thấy hết cái khó khăn và niềm hạnh phúc trong ngày rằm của các em học sinh vùng cao.
|
Học sinh vùng rẻo cao hạnh phúc khi được rước đèn đón chị Hằng. |
Đêm rước đèn trung thu hiếm hoi, và mỗi năm chỉ được tổ chức một lần tuy chỉ kéo dài 15 phút nhưng ánh sáng của đêm hội đã xua tan cái giá lạnh và bóng tối bao phủ của vùng núi chưa một lần biết đến ánh sáng của đèn điện này.
Ông Nguyễn Văn Tinh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mèo Vạc cho biết: “Tuy không đầy đủ quà bánh như Trung thu của các cháu ở đồng bằng, nhưng với những món quà nho nhỏ hy vọng các cháu sẽ có một cái Tết Trung thu ấm áp”.
Bà Lê Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng thì chia sẻ: “Vì trường có tới 19 điểm trường ở 19 thôn, nhiều thôn quá xa trung tâm xã nên để tổ chức một đêm trung thu cho các cháu là rất khó khăn. Chỉ có hơn 200 cháu, ở 3/19 điểm trường được tham gia đêm Trung thu hôm nay. Dù rất muốn mang chút ánh sáng và niềm vui cho các học sinh ở các bản xa nhưng trường cũng đành bó tay vì địa hình quá xa xôi”.
Em Lù Thị Xinh (dân tộc Giáy), học sinh lớp 4 Trường THCS Xỉn Cái hồ hởi khi được đi rước đèn: “Trung thu là ngày vui nhất trong năm. Em và các bạn đã mong đợi cả tuần đến ngày này để được đi rước đèn ông sao, được vui chơi và các thầy cô phát kẹo”. Em Giàng Mí Dừ, học sinh lớp 3, nói tiếng phổ thông chưa rõ, cầm trên tay túi kẹo vừa được phát, Dừ bảo sẽ mang túi kẹo ấy về chia cho 4 đứa em nhỏ của Dừ ở nhà.
Trung thu có gì chơi nấy
Cũng chỉ những mâm cỗ nghèo, trẻ em xóm chài Thành Công, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa đã vui một cái Tết ấm cúng. Bà Nguyễn Thị Xuyến (70 tuổi) cho biết, vì sống lênh đênh trên sông nên hầu như trẻ em không được tổ chức Trung thu: “Năm nay, cán bộ phường tổ chức cho các cháu lên bờ chơi rồi chia cho chúng mỗi đứa vài cái kẹo. Sau đó rước đèn, múa lân, thế là các cháu vui rồi”.
Chúng tôi ghé thăm thuyền gia đình ông, bà Nguyễn Văn Giao- Nguyễn Thị Diện (thuộc xóm chài Bắc cầu Sâng, phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa). Vợ chồng đứa con trai út lên bờ chạy xe ôm và đi bán cá ngoài chợ, gửi hai đứa con nhỏ cho ông bà ở nhà chăm sóc. Chúng tôi mua hai chiếc đèn lồng, xuống cho cháu Nguyễn Quỳnh Anh (hơn 3 tuổi) và Nguyễn Văn Huy (gần 2 tuổi). Nhận được chiếc đèn lồng, cả hai tỏ vẻ thích thú và lạ lẫm bởi màu sắc của nó.
Đây là lần đầu tiên em được tham gia Trung thu vui thế này. Dù nhà cách xa trường đến nửa ngày đường, phải băng qua cả hai ngọn núi nhưng được đi rước đèn ông sao với các bạn, em vẫn rất vui.
Giàng Mí Dừ
Ông Giao cho biết: “Hôm trước có cán bộ phường xuống thuyền thông báo rằng: Năm nay, chỉ có cháu nào đi học thì mới được nhận quà trung thu, còn hai cháu Quỳnh Anh và Huy thì không được nhận gì cả, vì chưa đi học”.
Thành phố Thanh Hoá có trên 300 hộ sinh sống trên sông, rải rác ở các phường Đông Thọ, Đông Sơn, Nam Ngạn và các xã Đông Hải, Quảng Hưng, trong đó trên 80% số hộ chưa có nhà ở. Trẻ em các xóm chài này cũng thuộc diện thất học hoặc bỏ học giữa chừng. Vì vậy, vào những dịp lễ, Tết Trung thu hay Quốc tế Thiếu nhi… trẻ em xóm chài thường chỉ có cách vui chơi riêng của chúng mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Sinh - cán bộ Văn hóa phường cho hay, riêng các cháu thuộc diện con em đồng bào sinh sống trên sông, hiện nay chúng tôi đã lập danh sách, làm tờ trình lên cấp trên để xin kinh phí mua quà cho các cháu. Dự kiến, mỗi suất quà trị giá khoảng 30.000 đồng.
Nguyệt Xuân - Hồng Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.