Tối hôm qua, 4.10, vào lúc 8 giờ tối tôi nhận được tin Đại tướng mất. Việc Đại tướng ra đi là quy luật sinh lão bệnh tử của đất trời.
Nhưng tôi bàng hoàng đột ngột nhớ lại biết bao kỷ niệm của chiến trường và sau này những trong năm xây dựng cuộc sống mới được gặp Võ Đại tướng. Đó cũng như sự kiện Bác Hồ mất vào năm 1969 - một sự kiện lớn trong toàn Đảng toàn dân vì trong mọi trận đánh của quân đội ta trong 50 năm nay luôn có dấu ấn của Đại tướng.
Lần đầu tiên tôi gặp ông vào tháng 10.1974, lúc đó tôi thay mặt Thường vụ Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên ra gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng báo cáo chuẩn bị cho kế hoạch tổng tiến công vào năm tới.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Lúc đó Bộ Chính trị hạ quyết tâm phải giải phóng miền Nam vào năm 1975, 1976. Đại tướng mới đi chữa bệnh ở Liên Xô về, người còn yếu, nên tôi phải đến nhà của ông để báo cáo.
Cuộc gặp lần đầu tiên Đại tướng hỏi: “Cậu vào Tây Nguyên được bao lâu rồi”. Tôi trả lời: “Dạ thưa! Được 10 năm rồi ạ”, “ Thế 10 năm cậu ra thăm gia đình được mấy lần?” Tôi trả lời: “Dạ thưa Đại Tướng trong 10 năm đây là lần thứ nhất được ra Bắc và cũng thăm gia đình luôn.”
Đại tướng xúc động nói: “Tại sao chiến trường Tây Nguyên lại như vậy? Theo quy định thì 3 năm có thể đi phép được”. “Vâng những cán bộ đánh giặc có kinh nghiệm thì thường được động viên ở lại chiến trường để đề phòng bất trắc….”
Đại tướng mỉm cười nói: “Rất hoan nghênh cậu. Thôi 10 năm dài quá rồi. Lần này không bao lâu nữa tôi sẽ cho cậu ra thăm gia đình thật lâu…” và câu nói đó như một lời tiên đoán, chỉ 5 tháng sau chúng ta đã giải phóng Tây Nguyên rồi Sài Gòn.
2 ngày sau, trước khi tôi quay trở lại chiến trường, Đại tướng lại gọi tôi sang và dặn những điều hết sức quan trọng và có tính dự báo: “Lần này chúng ta đánh vào thành phố lớn nên phải dùng Bộ binh cơ giới đánh mạnh vào trung tâm thành phố để địch không thể phản công được” (quả nhiên trong chiến dịch chỉ hơn 10 giờ sáng là ta đã giải quyết xong Buôn Mê Thuột) ông dặn dò tiếp: “ Tình hình có thể có đột biến Tư lệnh phải lắm thời cơ hành động, không được bỏ lỡ thời cơ khi có thể tấn công ”. Đây cũng là một dự đoán thiên tài vì chỉ sau 16 ngày chúng tôi đã giải phóng được Tây Nguyên.
Có thể nói ở Võ Đại tướng có đặc điểm là tinh thần nhân văn lớn mà ông đã tiếp thu được từ văn hóa dân tộc. Ông không chỉ là một vị tướng tài mà còn là một nhà văn hóa lớn. Có thể tổng kết 3 đặc thù về ông như sau:
1. Ông là người Anh Cả của quân đội.
2. Ông là một Vị tướng của các vị tướng.
3. Ông là một Vị tướng của nhân dân (sau chiến tranh ông chuyển sang phụ trách kinh tế và luôn lo lắng cho đời sống của nhân dân.)
Tôi bỗng nhớ giây phút cách đây gần 40 năm, tháng 10.1974 tất cả chúng tôi trải bản đồ trên sàn nhà ở Hoàng Diệu, bên vị tướng già đầu bạc là những sĩ quan trẻ cùng nhau nghiên cứu bản đồ và cách thức tấn công địch giải phóng đất nước.
Mới đó mà đã âm dương cách biệt rồi!
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
(Thiên Việt ghi) ((Thiên Việt ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.