Trung ương sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm đảm bảo yêu cầu 4 "dễ"

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 06/10/2021 14:16 PM (GMT+7)
Theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, Quy định 19 điều đảng viên không được làm ban hành năm 2011 đến nay cơ bản vẫn còn nguyên giá trị nhưng có những điều cần được phát triển, bởi sau 10 năm tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình quốc tế có những thay đổi nên Quy định cũng cần được sửa đổi cho phù hợp.
Bình luận 0

Sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm để phù hợp thực tiễn

Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII thảo luận là sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm, để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trung ương sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm đảm bảo yêu cầu 4 "dễ" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương. Ảnh VGP

Theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), hiện nay Đảng đang thực hiện Quy định số 47 ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm (còn gọi Quy định 19 điều đảng viên không được làm). Đến nay sau 10 năm thực hiện, Trung ương cần đánh giá xem kết quả, hiệu quả thực hiện như thế nào, mặt tích cực thế nào, mặt nào còn hạn chế.

"Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII đã thảo luận, chỉnh sửa, bổ sung để Quy định về những điều đảng viên không được làm để đầy đủ hơn, phù hợp với tình hình mới. Việc chỉnh sửa, bổ sung được thực hiện theo 4 yêu cầu được Tổng Bí thư chỉ rõ, đó là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ giám sát. Khi cần kiểm tra, giám sát căn cứ vào những điều trong quy định để thực hiện.

Có thể thấy Quy định 19 điều đảng viên không được làm đến nay nội dung về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị nhưng có những nội dung cần được phát triển, bởi 10 năm trước Quy định đưa ra như vậy nhưng 10 năm sau tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình quốc tế có những thay đổi nên Quy định cũng cần được sửa đổi cho phù hợp", PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 3 khoá liên tục Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi Hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới (trích phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII.

Từ góc độ của nhà nghiên cứu Lịch sử Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: Quy định 19 điều đảng viên không được làm, có những điều quy định còn hơi dài dẫn tới khó nhớ. Đối với người làm công tác nghiên cứu về Đảng cũng khó nhớ, chưa nói tới cán bộ, đảng viên khác, nhất là những người luôn bận rộn với công tác thực tiễn nên ít có điều kiện để đọc lại. 

Bên cạnh đó cũng có những quy định chưa thật dễ hiểu nên lần này việc sửa đổi, bổ sung để quy định dễ hiểu hơn là rất cần thiết. Điều quan trọng nữa là quy định đưa ra phải hướng vào vấn đề thực hiện, có thể nói quan trọng nhất là hướng và sự thực hiện, làm thế nào để thực hiện cho tốt.

Trung ương sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm đảm bảo yêu cầu 4 "dễ" - Ảnh 3.

Các Uỷ viên Trung ương tham dự Hội nghị. Ảnh TTXVN.

Xây dựng Đảng bao quát trên bốn về đề

Tại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Đảng tiếp tục thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm do Ban Chấp hành Trung ương khoá XI ban hành. Ngay đầu nhiệm kỳ, Trung ương khoá XII cũng ban hành Nghị quyết Trung ương 4, trong đó chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tiếp đến là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó chỉ rõ 8 việc phải gương mẫu thực hiện, 8 việc phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống...

Trung ương sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm đảm bảo yêu cầu 4 "dễ" - Ảnh 4.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh D.V

Bộ Chính trị khoá XII ban hành Quy định 205/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, trong đó nêu cụ thể những việc nào cán bộ, đảng viên phải làm, những việc gì phải kiên quyết chống...

Những quy định nêu trên và nhiều quy định, nghị quyết, văn bản khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII về công tác xây dựng Đảng để bao quát trên cả bốn vấn đề. 

"Quy định những điều đảng viên không được làm hay Quy định về 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ... cũng hướng vào bốn vấn đề. Vấn đề thứ nhất là xây dựng Đảng về chính trị thế nào cho tốt, cương lĩnh đường lối đảm bảo đúng đắn, thực hiện tốt; thứ hai là xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩ Mác -Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thứ ba là xây dựng Đảng về đạo đức; thứ tư là xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ", PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32, trong đó bổ sung chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn  của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, việc này đảm bảo sự đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng. 

Trước đây Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực hiện chỉ đạo, đôn đốc về công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng đến nay đã được bổ sung chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm, đó là chống cả tiêu cực. "Tham nhũng chỉ là một biểu hiện của tiêu cực. Còn nói tới tiêu cực có rất nhiều vấn đề và trong Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận làm rõ xem nội dung tiêu cực là gì, ví dụ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một biểu hiện của tiêu cực; "chạy" chức "chạy" quyền, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân, lãng phí...cũng là biểu hiện tiêu cực",PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Vẫn theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, Đảng Cộng sản Việt Nam với sứ mệnh của một đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên phải luôn luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiệm kỳ Đại hội nào cũng phải chăm lo công tác xây dựng Đảng, đặc biệt 3 nhiệm kỳ Đại hội gần đây (Đại hội XI,XII và XIII), đề án xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều được đưa ra Hội nghị Trung ương 4. Hội nghị Trung ương 4 cũng là Hội nghị đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong xây dựng Đảng phải đặc biệt chú ý đến công tác cán bộ, như Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác cán bộ là then chốt của then chốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và XII, đề nghị các đồng chí nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa yêu cầu phòng, chống không chỉ tham nhũng mà còn cả đối với tiêu cực; nhưng biểu hiện tiêu cực là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao? (trích phát biểu khai mạc Hội nghị ương 4 khoá XIII).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem