Trước 25.3, Bộ Công Thương phải trình kịch bản giá điện năm 2017

Thứ tư, ngày 22/03/2017 13:26 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo hướng dẫn EVN hoàn thiện Báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN đề xuất kịch bản giá điện năm 2017.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp hôm 27.2 về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí, giá thành điện năm 2016, phương án giá điện năm 2017 và xử lý chênh lệch tỉ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có nguồn gốc ngoại tệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo hướng dẫn EVN hoàn thiện Báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25.3.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần rà soát, cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các chi tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của ngành điện năm 2017 (tỉ lệ tổn thất điện năng, sản lượng điện sản xuất, điện thương phẩm nhất là nhiệt điện dầu trong kế hoạch vận hành năm 2017…), bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân và hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải chỉ đạo EVN rà soát kế hoạch đầu tư, phương thực huy động vốn để xác định nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động tính toán phương án chi phí, giá thành, giá bán điện năm 2017. Trong đó, phấn đấu giảm thêm tỉ lệ tổn thất điện năng; xác định lộ trình để phấn đấu cắt giảm 7,5%-10% chi phí thường xuyên của cả Tập đoàn.

Về giá điện, Phó Thủ tướng lưu ý các phương án xây dựng giá bán sẽ theo các kịch bản: giá than, giá khí điều chỉnh hoặc không điều chỉnh theo giá thị trường; khoản chênh lệch tỉ giá đánh giá các khoản mục tiều tệ có gốc ngoại tệ chưa phân bổ được xử lý theo cơ chế đặc thù hoặc theo đúng chế độ, chuẩn mực kế toán quy định.

Bộ Công Thương cũng phải chỉ đạo EVN rà soát lại các hợp đồng mua bán điện, nhất là các hợp đồng mua bán điện với các nhà máy điện độc lập (IPP) hay BOT, bên ngoài, xác định các vấn đề còn bất cập để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất giải pháp xử lý trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2017.

Ngoài ra, Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn EVN thực hiện rà soát cơ chế tiền lương, chính sách chế độ với người lao động để có giải pháp tăng năng suất lao động của EVN phù hợp với đặc thù của ngành điện, xây dựng lộ trình sắp xếp, cơ cấu lại số lượng cán bộ nhân viên của cả Tập đoàn (nhất là các công ty truyền tải điện), đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Lần điều chỉnh giá điện gần nhất là cách đây gần 2 năm, vào ngày 16/3/2015 - với mức giá bán lẻ bình quân được quyết định là 1.622,01 đồng/kWh, tăng thêm 7,5% so với thời điểm trước đó.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2017, lãnh đạo EVN dự báo sẽ gặp một số khó khăn thách thức trong năm 2017, như đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt sau khi Nhà máy Xử lý khí Cà Mau vào vận hành sẽ giảm khí cho phát điện tương đương 600 triệu kWh; nguồn điện chạy dầu dự kiến phải huy động tới gần 2,2 tỷ kWh sẽ ảnh hưởng đến tài chính của EVN; một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện hay việc giá than trong nước chính thức tăng thêm 7% từ ngày 24/12/2016, sẽ khiến chi phí sản xuất điện của năm 2017 tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng.

Phương Dung (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem